Lợi thế “giỏ thực phẩm thế giới”
Theo các chuyên gia kinh tế, có nhiều nguyên nhân khiến ngành công nghiệp chế biến của nước ta thu hút mạnh nguồn vốn FDI. Đây là lĩnh vực tiềm năng rất lớn, nhưng lâu nay còn chậm phát triển. Hiện Việt Nam đang được xếp tốp 5 nước là “giỏ thực phẩm thế giới” do có nguồn nông sản, thủy hải sản phong phú, đa dạng. Tính chung cả năm 2019, tổng sản lượng thủy sản các loại ước tính đạt 8,2 triệu tấn, tăng 5,6% so với năm trước.
Về sản lượng thịt heo xuất chuồng, ước tính đạt 3,3 triệu tấn. Còn với nhóm cây ăn quả, thống kê cho thấy, sản lượng cam đạt 960.900 tấn, tăng 12,4% so với năm trước; bưởi đạt 779.300 tấn, tăng 18,2%; xoài đạt 814.800 tấn, tăng 2,9%; thanh long đạt hơn 1,2 triệu tấn, tăng 15%... Đặc biệt, Việt Nam hiện đang là nước thuộc tốp đầu thế giới về xuất khẩu gạo. Sản phẩm gạo ST25 của Việt Nam vừa nhận giải gạo ngon nhất thế giới. Điều này bước đầu làm tăng giá trị, tăng mức độ nhận diện của người tiêu dùng thế giới đến hàng nông thủy hải sản Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Trong nước, nhiều hộ nông dân sau thời gian được hỗ trợ kỹ thuật canh tác tiệm cận với chất lượng tiêu chuẩn toàn cầu đã dịch chuyển hướng canh tác theo hướng giảm sản lượng nhưng an toàn hơn về chất lượng, tăng hơn giá trị, góp phần ổn định trong việc cung ứng nguồn nguyên liệu sản xuất trong nước cho các doanh nghiệp chế biến. Đơn cử như trái nhãn và vải, người dân tập trung sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP nên dù sản lượng vải chỉ đạt 272.000 tấn, giảm 30,1% và nhãn đạt gần 508.000 tấn, giảm 6,6% so với cùng kỳ năm 2018, nhưng giá trị xuất khẩu thì cao hơn gấp đôi…
Gia tăng nội lực
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm TPHCM, cho biết sự đổ bộ ồ ạt của doanh nghiệp (DN) ngoại và chiến lược thâu tóm của họ, trong đó có nhiều tập đoàn lớn về công nghiệp chế biến đến từ Hàn Quốc, đã và đang đẩy DN trong nước vào cuộc cạnh tranh khá khốc liệt. Trên thực tế, thời gian qua nhiều DN nội vì không thể cạnh tranh đã buộc phải sáp nhập vào các DN nước ngoài. Điển hình như Tập đoàn đa ngành CJ (Hàn Quốc) đã mua cổ phần chi phối của Công ty Thực phẩm Minh Đạt, Công ty cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Cầu Tre… Ngoài ra, một số thương hiệu thực phẩm chế biến, thức uống giải khát trong nước cũng đã rơi vào tay DN ngoại như Kinh đô, Bibica, Sabeco, Tribeco…
Nhiều DN nội cho biết dù không muốn nhưng vẫn buộc phải chọn lựa bán cổ phần cho DN nước ngoài, vì không thể cạnh tranh. DN nước ngoài không chỉ có vốn đầu tư lớn mà còn được sự hậu thuẫn rất lớn từ hệ thống phân phối ngoại. Trong chiến lược chiếm lĩnh thị phần nói chung, giữa nhà sản xuất và kênh phân phối ngoại thường có sự bắt tay chặt chẽ để thực hiện chính sách giá cạnh tranh. Ngoài ra, họ còn có lợi thế về lịch sử thương hiệu, cộng với tâm lý ưa chuộng sử dụng hàng ngoại của người tiêu dùng trong nước.
Theo bà Lý Kim Chi, để DN trong nước có thể trụ được trong bối cảnh cạnh tranh gay gắt như hiện nay, một mặt DN cần chủ động đổi mới công nghệ, quy mô sản xuất, mặt khác, các cơ quan chức năng cần tháo gỡ cơn “khát vốn” cho DN. Quan trọng nữa là phải thúc đẩy phát triển hệ thống phân phối nội để dẫn dắt và tạo điều kiện lan tỏa phát triển sản phẩm Việt.
Đồng thuận với vấn đề này, ông Nguyễn Ngọc Hòa, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Đầu tư tài chính nhà nước TPHCM, cho biết đơn vị sẽ phối hợp các sở ban ngành, đồng thời chủ động tìm kiếm và tiếp cận với những DN có nhu cầu vốn đổi mới công nghệ sản xuất. Từ đó, xây dựng giải pháp đầu tư, sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay. Những DN thuộc nhóm ngành chủ lực của thành phố sẽ là nhóm ngành được ưu tiên tiếp cận nguồn vốn vay này. Ngược lại, DN cũng cần phải chủ động hơn trong việc tiếp cận nguồn vốn vay để rút ngắn khoảng cách từ nhu cầu vay đến thực tế giải ngân vốn vay. DN Việt cần thực hiện hiệu quả minh bạch tài chính, hoạt động sản xuất và có chiến lược phát triển bền vững.