Thu hút số vốn đầu tư nước ngoài (FDI) trên 5,4 tỷ USD, chiếm 73,4% tổng vốn đăng ký cấp mới; xuất khẩu nhóm hàng chế biến cũng tăng 9,1%, cao hơn mức tăng chung 7,3% và chiếm tới 83,5% tổng kim ngạch hàng hóa xuất khẩu.
Mặc dù có mức tăng trưởng tương đối cao, nhưng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng có chỉ số tồn kho khá cao, tăng 16,1% ở nhiều ngành hàng. Đơn cử, ở ngành dệt, tỷ lệ tồn kho cao chủ yếu do giá sợi giảm còn 2,6 USD/kg và giá bông giảm còn 2,1 USD/kg.
Sản phẩm sợi Việt Nam chủ yếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ đã áp dụng các biện pháp chống bán phá giá đối với sợi Việt Nam và Trung Quốc cũng giảm nhập khẩu sợi do khó xuất sang thị trường Hoa Kỳ (bị áp thuế 25%), đã làm ách tắc sợi Việt Nam.
Một số mặt hàng khác cũng tăng lượng hàng tồn kho do nhu cầu nhập khẩu của thế giới giảm. Cụ thể, với sản xuất kim loại, nếu 6 tháng đầu năm 2018, xuất khẩu tăng 55,4%, thì 6 tháng đầu năm nay chỉ tăng 1%. Tương tự, điện thoại và linh kiện cùng kỳ năm trước tăng 16%, cùng kỳ năm nay tăng 4%; máy móc thiết bị phụ tùng cùng kỳ năm trước tăng 31,5%, cùng kỳ năm nay tăng 6%.