Thời gian qua, sự nỗ lực cải thiện cơ cấu xuất khẩu của doanh nghiệp (DN) theo hướng xuất khẩu sản phẩm đã qua chế biến mang thương hiệu Việt thay cho xuất khẩu sản phẩm thô đã giúp gia tăng giá trị kim ngạch xuất khẩu hàng nông sản.
Thế nhưng, để duy trì và đạt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông sản, thực phẩm chế biến lên 42 tỷ USD vào năm 2020, nhiều DN cho rằng các cơ quan chức năng cần sớm hỗ trợ DN chuẩn hóa quy trình xuất khẩu, theo hướng tiếp cận hơn với các thị trường xuất khẩu nói chung và một số thị trường xuất khẩu trọng điểm nói riêng như Trung Quốc, Mỹ, châu Âu... Về phía nông dân, họ rất cần được Nhà nước hỗ trợ canh tác, chuyển đổi theo hướng tuân thủ tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm toàn cầu, tránh tình trạng sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tràn lan, gây ảnh hưởng đến chất lượng hàng nông sản, thực phẩm chế biến xuất khẩu.
Trong năm 2019, nhiều địa phương cũng ghi nhận mức độ đầu tư mạnh mẽ vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm. Do đó, để có thể hấp thụ hết vốn đầu tư này, các cơ quan chức năng cần quy hoạch lại vùng trồng trọt, kết hợp thực hiện hiệu quả chủ trương cánh đồng mẫu lớn. Có như vậy mới chủ động nguồn nguyên liệu trong nước với giá thành cạnh tranh, tạo điều kiện để cho DN ổn định sản xuất, xuất khẩu.
Một vấn đề khác là Chính phủ cần sớm chỉ đạo các cơ quan, tổ chức liên quan đổi mới quy trình cho vay vốn theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho DN, nông dân, bảo đảm an toàn vốn vay, rút ngắn thời gian giải quyết cho vay, tạo điều kiện cho DN, người nông dân tiếp cận vốn tín dụng, nhất là DN nhỏ và vừa.
Đặc biệt, nhanh chóng củng cố hoạt động của Quỹ Bảo lãnh tín dụng DN nhỏ và vừa, phát huy được hiệu quả của quỹ trong việc hỗ trợ DN tiếp cận vốn để phát triển hoạt động sản xuất kinh doanh. Có như vậy, DN mới có thể đổi mới công nghệ sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển mới trong bối cảnh hiện nay.