1. Vừa chat với khách hàng về ý tưởng mẫu thiết kế mới, vừa gửi bản thiết kế hoàn chỉnh cho khách hàng cũ qua mail và cửa sổ còn lại là chat với nhóm bạn.
“Như vầy là ít rồi, có bữa tui còn lướt thêm mấy trang mua sắm tranh thủ đặt quần áo, túi xách nữa đó”, Phạm Thu Trang (25 tuổi) chia sẻ.
Nói đoạn, Trang lại chăm chú vào màn hình máy tính, xong việc thì để máy sang một bên và kè kè chiếc điện thoại. Theo lời Trang, cô vẫn cảm thấy cô đơn dù trong tay là máy tính xịn, điện thoại thông minh không thiếu chức năng nào.
“Bạn bè thì có và có nhiều nữa nhưng nhìn lại cũng ở mức bình thường hoặc là quan hệ xã giao, công việc, rất khó để chia sẻ những chuyện cá nhân. Bởi vậy, mỗi lúc buồn tôi thường viết điều gì đó lên mạng xã hội, khi ổn hơn sẽ xóa. Nhiều lúc cũng có những bình luận hỏi thăm của bạn bè, nhưng tôi không trả lời vì thật sự rất khó để chia sẻ”, Trang kể.
Điều này không chỉ là câu chuyện của riêng Trang. Lướt qua mạng xã hội, không ít những bài viết than thở chuyện cô đơn của các bạn trẻ. Dường như khi có quá nhiều sự hỗ trợ, kết nối từ Internet và công nghệ, người ta tận dụng và dần lệ thuộc vào chúng, ngại tiếp xúc, ngại gặp gỡ và chỉ quen quẹt, vuốt, lướt…
2. Trong không gian quán cà phê trên đường Nguyễn Thị Thập (quận 7, TPHCM), nhiều bạn chỉ ngồi một mình, làm việc trên máy tính hoặc điện thoại, thi thoảng một vài bàn có khách. Và dù mỗi bàn đều có khách nhưng khá yên tĩnh bởi ai cũng bận dán mắt vào “thế giới riêng” và nhạc trong quán cũng vừa phải để khách làm việc. Hiện tại, làm việc từ xa, có khi ngồi nhà, khi ngồi quán cà phê hay thậm chí vừa du lịch vừa làm việc là lựa chọn được nhiều bạn trẻ ưu tiên bởi sự thoải mái về không gian, thời gian.
Theo một khảo sát từ Anphabe (Mạng lưới cộng đồng nghề nghiệp cấp quản lý ở Việt Nam) về xu hướng nghề nghiệp của người trẻ Gen Z (những bạn trẻ được sinh từ năm 1996 trở đi), 34% bạn trẻ sau khi tốt nghiệp sẵn sàng đầu quân cho các startup hoặc tự kinh doanh riêng, 14% thích làm việc cho các tổ chức phi lợi nhuận, 8% cho rằng “chẳng cần làm công ty, là freelance cũng tốt”.
Tốt nghiệp loại giỏi, Minh Quân (24 tuổi, lập trình viên, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) từ chối lời mời làm việc ở công ty mà Quân đã thực tập trước đó. “Bây giờ, Internet khắp nơi, máy tính hay điện thoại đều hỗ trợ người dùng tối đa thì ngồi ở đâu cũng làm việc được. Tôi thích chọn làm việc tự do, chi tiêu có kế hoạch một chút là ổn thôi, giờ giấc đi lại thoải mái, mọi thứ do mình quyết định”, Quân kể.
3. Nhanh nhạy hay dẫn đầu xu thế nhưng khi ngắt Internet, không ít bạn trẻ rơi vào khó chịu, không làm việc được hoặc những tình huống cần xử lý trực tiếp thì lúng túng, loay hoay tìm cách.
Làm công việc chăm sóc khách hàng online gần 2 năm nay, sự cố giải quyết khiếu nại trực tiếp cho khách giúp Ngô Tấn Toàn (24 tuổi, nhân viên chăm sóc khách hàng, ngụ quận 5, TPHCM) nhận ra nhiều vấn đề.
“Từ đầu, tôi ứng tuyển vị trí này vì quen làm việc online, nhưng có chuyện mới biết mình thiếu nhiều kỹ năng. Giải quyết online, phần mềm hỗ trợ khách, tôi làm được hết thậm chí là làm tốt, nhưng khi cần làm việc trực tiếp, mình lại thiếu tự tin và không biết cách xử lý. Sau lần đó, tôi cũng được quản lý phân chia việc, tiếp xúc khách hàng trực tiếp xen kẽ với làm online để không bị động nữa”, Toàn kể.
Tuyển dụng nhân sự đã hơn 10 năm nay, hiện tại chị Đặng Thanh Tâm (36 tuổi, trưởng phòng nhân sự công ty truyền thông, ngụ quận 10, TPHCM) cũng bắt đầu thay đổi cách ứng tuyển nhân viên.
“Không chỉ thay đổi cách ứng tuyển mà thời gian thử việc mình cũng học cách lắng nghe ứng viên nhiều hơn. Nhiều bạn trẻ hiện nay, nắm bắt công nghệ, kỹ thuật rất tốt và có những ý tưởng đề xuất táo bạo, nhưng cũng không ít trường hợp làm vừa xong 1 tháng thử việc hoặc chưa xong cũng đã nộp đơn xin nghỉ vì bất đồng ý kiến với cấp trên hoặc đồng nghiệp. Họ giỏi, tự tin về chuyên môn nhưng khi gặp ý kiến phản đối thì họ lại mong manh, dễ tổn thương. Tôi nghĩ đó là vấn đề mà nhiều phòng nhân sự hiện nay cần quan tâm để tìm cách lựa chọn ứng viên phù hợp cho công ty”, chị Tâm chia sẻ thêm.
" Việc quá lệ thuộc vào cái tôi trong công nghệ mà ít dành thời gian tiếp xúc xung quanh, thiếu đi những kỹ năng, hành trang khác để bước ra cuộc đời sẽ khiến người trẻ có thể gặp phải những rào cản, khó khăn. Bản thân người trẻ, phải tự ý thức được tác hại của công nghệ. Sau đó, buộc mình đặt ra “kỷ luật thép” cho bản thân như mỗi ngày sẽ cầm điện thoại, lên mạng xã hội trong bao nhiêu giờ đồng hồ. Nếu đắm chìm vào thế giới công nghệ thì thế giới xung quanh sẽ bị thu hẹp dần, công nghệ sẽ nuốt chửng người trẻ. Phải có kỷ luật thép, kiểm soát mình với công nghệ và giao tiếp với mọi người nhiều hơn" TS PHẠM THỊ THÚY, chuyên gia tâm lý |