Công nghệ thực phẩm thời AI

Một thiết bị tạo ra một chiếc bánh pizza cỡ lớn chỉ trong 2 giây trong phim Back To The Future, hay chiếc lò nướng trong phim khoa học viễn tưởng The Fifth Element có thể tạo ra một con gà quay đủ lớn để có thể nuôi sống một gia đình 4 người… Hình ảnh ấy không bao lâu nữa có thể sẽ trở thành hiện thực.
Thịt nuôi cấy được “trồng” trong phòng thí nghiệm có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn vào năm 2040. Ảnh: iStock/icestylecg
Thịt nuôi cấy được “trồng” trong phòng thí nghiệm có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn vào năm 2040. Ảnh: iStock/icestylecg

Tại Singapore, chính phủ cùng với các bên liên quan đã chuẩn bị để đáp ứng tính bền vững cho nhu cầu dinh dưỡng của người dân bằng “chiến lược 30x30”, đặt mục tiêu tự sản xuất 30% lương thực vào năm 2030. Theo đó, chiến lược kêu gọi tất cả người dân cùng tham gia và chính phủ sẵn sàng dành các khoản tài trợ. Tuy nhiên, mới đây theo các nhà thực phẩm tương lai của Singapore, chỉ trong 17 năm nữa, tức vào năm 2040, người Singapore có thể ăn thịt in 3D không đến từ chăn nuôi, có thông tin về cấu trúc phân tử của thực phẩm rõ ràng.

Theo CNA, trong báo cáo có chủ đề Snack To The Future mới đây, cùng với các chuyên gia trong ngành khoa học, công nghệ đổi mới, ông Yip Hon Mun, cố vấn cấp cao về công nghệ thực phẩm bền vững, cho biết, ngoài các loại thịt thay thế từ thực vật mà chúng ta đã thấy trong siêu thị và trên thực đơn, còn có thịt nuôi cấy bằng cách sử dụng tế bào động vật. Ông Yip dự đoán rằng, thịt nuôi cấy trong phòng thí nghiệm như vậy có thể sẽ được chấp nhận rộng rãi hơn vào năm 2040 khi công nghệ trưởng thành hơn và giá cả trở nên hợp lý hơn.

Có hai cách nuôi cấy thịt: in 3D và mô phỏng lại cấu trúc thực sự của miếng thịt bằng một phương pháp tên Scaffold developmen (tạm dịch: Dựng giàn giáo). Trong phương pháp đầu tiên, các tế bào mỡ và cơ được in riêng lẻ và sau đó được “phát triển” thành một miếng thịt kết dính. Phương pháp thứ hai kích thích các tế bào hình thành theo cấu trúc ba chiều, cho phép các mô mỡ và cơ phân lớp phát triển.

Gần đây, các nhà nghiên cứu từ Đại học Quốc gia Singapore (NUS) đã phát triển một loại mực protein thực vật được tạo thành từ các loại ngũ cốc như ngô và lúa mạch để nuôi thịt theo cách tiết kiệm chi phí hơn. Các nhà khoa học quản lý để nuôi cấy tế bào gốc cơ heo trên giàn giáo và kết hợp chiết xuất củ cải đường để mô phỏng màu sắc của thịt heo. Trong vòng 12 ngày, thịt nuôi cấy sẽ được hình thành có kết cấu và hình thức tổng thể tương tự như thịt heo thật. Khi đó, công nghệ này có khả năng phát triển đến mức người tiêu dùng có thể đặt các sản phẩm thịt phù hợp với sở thích, nhu cầu ăn kiêng và văn hóa của họ. Không chỉ vậy, thịt nuôi trồng cho phép bổ sung chính xác các chất dinh dưỡng như vitamin, khoáng chất và axit béo omega-3 mà không cần các chất phụ gia và kháng sinh.

AI không chỉ được sử dụng trong ChatGPT và trợ lý kỹ thuật số trên điện thoại thông minh, mà các bữa ăn của chúng ta có thể được tùy chỉnh để phù hợp với nhu cầu dinh dưỡng, thể chất, tinh thần và xã hội, thậm chí cả các mục tiêu về môi trường. Có khả năng, đến năm 2040, theo các nhà khoa học của Singapore, chúng ta cũng có thể kết hợp thông tin và nhận các đề xuất chế độ ăn uống được cá nhân hóa từ các tiện ích như khả năng sử dụng hơi thở để chẩn đoán nhu cầu ăn kiêng, nhà vệ sinh thông minh để phát hiện bệnh tật hoặc chỉnh sửa chế độ ăn uống.

Tin cùng chuyên mục