Công nghệ thông tin là “đòn bẩy” đột phá phát triển

Hậu Giang là một trong những địa phương ở ĐBSCL đi tiên phong trong chuyển đổi số. Với việc tổ chức định kỳ Tuần lễ chuyển đổi số (CĐS) và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta hàng năm, tỉnh đã tương tác, tạo sự chuyển biến sâu rộng trong đội ngũ cán bộ, doanh nghiệp và người dân ứng dụng các nền tảng số.

Khách tham quan tại tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024
Khách tham quan tại tuần lễ chuyển đổi số và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta 2024

Theo Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh, tỉnh tự tin là điểm đến lý tưởng cho doanh nghiệp, nhà đầu tư; đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ thông tin. Với sự sẵn sàng về cơ chế, chính sách, môi trường đầu tư, nguồn lực tại chỗ, tỉnh xác định công nghệ thông tin là bước đột phá, tạo ra bước phát triển mạnh mẽ cho Hậu Giang, nhằm thực hiện mục tiêu lớn mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ 14 đã đề ra, đưa tỉnh Hậu Giang trở thành một trong những tỉnh phát triển khá của khu vực ĐBSCL trong thời gian tới.

Mở rộng dịch vụ công trực tuyến

Nhìn lại thành công của Tuần lễ CĐS (diễn ra trong 2 ngày 23 và 24-5 vừa qua), ông Đồng Văn Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang, nhận định: “Tuần lễ CĐS là cơ hội nâng cao nhận thức, tạo cơ hội trao đổi, hợp tác giữa các cơ quan nhà nước với các doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, giải pháp CĐS, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo. Từ đó góp phần nâng cao hiệu quả công tác CĐS, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển kinh tế vùng ĐBSCL”. Đây là năm thứ 3 liên tiếp Hậu Giang tổ chức thành công Tuần lễ CĐS và khởi nghiệp đổi mới sáng tạo - Mekong Delta; là năm thứ 2 tỉnh phát động phong trào thi đua chuyên đề về CĐS với chủ đề “Người dân Hậu Giang tham gia dịch vụ công trực tuyến”. Qua đó, đã huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội tham gia tích cực vào quá trình CĐS, góp phần nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ trực tuyến.

Trong tháng 9-2024, tỉnh Hậu Giang đã tổng kết công tác chuyển đổi số năm 2023 và khai trương ứng dụng Hậu Giang trên nền tảng Zalo. Theo báo cáo, trong năm 2023, tỉnh đã khai thác, sử dụng 28 cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành và 11 cơ sở dữ liệu phục vụ cho hoạt động CĐS tại địa phương; cổng dữ liệu mở của tỉnh với 24 cơ sở dữ liệu dùng chung; 100% sở, ban, ngành và địa phương đã có bố trí, phân công cán bộ chuyên trách hoặc kiêm nhiệm công nghệ thông tin. Tỷ trọng kinh tế số trong GRDP năm 2023 đạt 8,98%; 100% doanh nghiệp sử dụng hợp đồng điện tử; 67,71% doanh nghiệp nhỏ và vừa sử dụng nền tảng số; tỷ lệ lao động kinh tế số trong lực lượng lao động chiếm gần 2%. Toàn tỉnh có 525 tổ công nghệ số cộng đồng tại ấp, khu vực với 3.740 thành viên, tham gia hỗ trợ 450.000 người phổ cập kỹ năng số; 75% người dân trưởng thành có điện thoại thông minh; 84% người dân trong độ tuổi lao động được đào tạo kỹ năng số; 66% dân số trưởng thành có tài khoản dịch vụ công trực tuyến…

Tỉnh Hậu Giang đã có cách làm hay khi công bố kết quả đánh giá, xếp hạng mức độ CĐS của các cơ quan, đơn vị; kết quả phát động phong trào thi đua “Người dân Hậu Giang nộp dịch vụ công trực tuyến” gắn với khen thưởng để động viên, tạo động lực cho quá trình ứng dụng CĐS. Hậu Giang đã hình thành được hạ tầng số, nền tảng số và dữ liệu số: đảm bảo việc khai thác, vận hành hiệu quả các hệ thống thông tin gắn với bảo đảm an ninh, an toàn thông tin; triển khai Kho dữ liệu điện tử của cá nhân, tổ chức trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính tỉnh kết nối với Kho dữ liệu điện tử trên Cổng dịch vụ công quốc gia. Từ đó, giúp từng bước hoàn thiện dữ liệu cá nhân, đưa thông tin, dữ liệu lên môi trường số, giúp cắt giảm các khâu trong giải quyết thủ tục hành chính.

Đẩy mạnh chuyển đổi số

Tới đây, Hậu Giang đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS (đảm bảo đúng đối tượng, có trọng tâm, trọng điểm), công tác bảo đảm an toàn, an ninh thông tin trên không gian số; hướng dẫn người dân các kỹ năng cơ bản về công dân số như: mở tài khoản và thanh toán trực tuyến, nộp hồ sơ trực tuyến, tham gia các trang thương mại điện tử... Đồng thời, hoàn thành các dự án cơ sở dữ liệu ngành theo Đề án xây dựng chính quyền điện tử và đô thị thông minh tỉnh Hậu Giang giai đoạn 2020-2025; tập trung đẩy nhanh quá trình xây dựng, nâng cấp hoàn thiện các cơ sở dữ liệu dùng chung, cơ sở dữ liệu chuyên ngành; đẩy nhanh tiến độ số hóa, cập nhật thông tin vào các cơ sở dữ liệu đã xây dựng; tiếp tục lấy ý kiến, nghiên cứu, yêu cầu đơn vị triển khai hoàn chỉnh chức năng “Ghi nhật ký công việc” trên Hệ thống quản lý văn bản theo hướng đơn giản, tiện ích, tự động hóa nhưng đảm bảo theo yêu cầu của tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh cho biết, tỉnh sẽ tiếp tục đẩy mạnh kêu gọi, thu hút đầu tư vào Khu công nghệ số; giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình dân dụng và công nghiệp tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án xây dựng hạ tầng Khu công nghệ số tỉnh. Mặt khác, đề nghị các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực CĐS tiếp tục chia sẻ, giới thiệu sản phẩm, công nghệ mới, hiện đại, hợp tác đầu tư trên các lĩnh vực ưu tiên CĐS của Hậu Giang như: y tế, giáo dục, nông nghiệp, du lịch, an sinh xã hội và một số lĩnh vực quan trọng khác, để tỉnh từng bước phát triển đột phá trên các lĩnh vực này.

Tin cùng chuyên mục