Đây là sự kiện thuộc chuỗi hoạt động “Cà phê công nghệ” do Sở KH-CN TPHCM tổ chức, với sự tham dự của các chuyên gia y tế, nhà nghiên cứu và đại diện các viện, trường trên địa bàn TPHCM.
Hiện nay, trên thị trường Việt Nam, các sản phẩm từ tam thất hỗ trợ điều trị ung thư còn khá hạn chế, đa số tam thất dưới dạng bột hoặc viên nén, viên nang…, chưa có dạng cao lỏng. Trong khi đó, cao lỏng là dạng bào chế cho hiệu quả hấp thụ tốt hơn so với dạng viên nén, viên nang. Từ thực tế đó, nhóm các nhà khoa học tại Trung tâm Khoa học công nghệ dược Sài Gòn đã nghiên cứu quy trình chế biến tam thất dạng cao lỏng nhằm hỗ trợ điều trị ung thư.
Đại diện nhóm nghiên cứu cho biết, tam thất là dược liệu quý trong y dược cổ truyền, gần như các bộ phận của cây tam thấy đều được sử dụng để bào chế dược liệu hoặc các sản phẩm có chức năng hỗ trợ sức khỏe.
Hiện tại, hơn 90% nguồn tam thất được trồng tại Trung Quốc. Tại Việt Nam, nguồn tam thất chỉ chiếm 10% và được trồng nhiều ở khu vực biên giới như ở Hà Giang, Lai Châu…, không đủ để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Tam thất có tốc độ sinh trưởng khá mạnh so với các dược liệu khác, khoảng 3-4 năm tuổi có thể thu hoạch, đây là tiềm năng để phát triển nguồn dược liệu quý phục vụ nhu cầu nghiên cứu, khám chữa bệnh trong nước.
Theo TS Lê Thị Hồng Vân, trưởng nhóm nghiên cứu Trung tâm Khoa học và công nghệ dược Sài Gòn, sản phẩm cao lỏng hỗ trợ điều trị ung thư dựa vào sự thay đổi hàm lượng ginsenosid và sự thay đổi hoạt tính ức chế phát triển tế bào ung thu phổi A549, ung thư vú MDA-MB-231, cho ra kết quả khả quan. Đồng thời, nhóm cũng đã tối ưu hóa quy trình chiết cao định chuẩn hóa dựa trên hiệu suất chiết cao và xây dựng quy trình điều chế sản phẩm cao lỏng từ tam thất.
“Các sản phẩm của nhóm đã được thẩm định bởi Viện kiểm nghiệm thuốc TPHCM, quá trình thử nghiệm trên chuột có kết quả khả quan, 25% mẫu phổi ở lô chứng bệnh xuất hiện tình trạng carcinom kèm theo hoại tử tế bào ung thư, tỷ lệ này tăng lên đối với các lô điều trị khi kết hợp paclitaxel với cao tam thất. Như vậy, có thể khẳng định, cao chiết tam thất có tác động làm hoại tử tế bào ung thư của các khối u, trong đó, cao đặc thể hiện tác động hoại tử tế bào ung thư phổi tốt hơn ở dạng cao lỏng và tăng lên khi phối hợp với nhau”, TS Lê Thị Hồng Vân chia sẻ.
Tại sự kiện, TS Đào Văn Tuyết, Trưởng khoa ngành Công nghệ thông tin y tế, Đại học Quốc tế Sài Gòn, cho rằng, tại Việt Nam tỷ lệ ung thư phổi ở nam giới và ung thư vú ở nữ giới vẫn chiếm ở con số rất cao. Do vậy, các sản phẩm hỗ trợ điều trị ung thư ở hai nhóm này là rất cần thiết; nếu phát triển thành công sản phẩm và làm chủ được nguồn dược liệu sẽ là đột phá rất lớn cho ngành đông y tại Việt Nam.
Tuy nhiên, ngoài quy trình bào chế thì nhóm cần nghiên cứu thêm các công năng, tính chất hỗ trợ điều trị ung thư ở từng vị trí cụ thể trên cơ thể con người. Khi kết quả nghiên cứu thử nghiệm thành công cần làm chủ nguồn nguyên liệu đầu vào như nhân giống hay thậm chí là trồng tam thất bằng phương pháp thủy canh.