Vì khán giả
Những ngày qua, trên mạng xã hội ngập tràn lời khen bộ phim Hai Phượng bởi những màn võ thuật mãn nhãn. Theo tiết lộ, để có những cảnh quay đó, ê kíp đã hợp tác với đạo diễn hành động hàng đầu của Hollywood - Yannick Ben, người đã tham gia dàn dựng những phân cảnh hành động trong các siêu phẩm như: Điệp viên 007, Fast and Furious, John Wick, Transporter… Những cảnh chiến đấu trong phim được dàn dựng riêng, các thế võ được sáng tạo mới, phù hợp với văn hóa và vóc dáng người Việt, mang tới cảm giác chân thật và dữ dội. Các cảnh cận chiến trên sông, trên những con đường nhỏ hẹp của miền Tây, hay trên toa xe lửa… cho thấy sự đầu tư, chỉn chu của ê kíp làm phim.
Nói đến bước tiến về công nghệ kỹ xảo, hầu hết người làm nghề đều thừa nhận Người bất tử xứng đáng là hình mẫu. Từ đạo diễn hành động Vincent Wang, chuyên gia cháy nổ Pí Pỏng, chuyên viên hóa trang Lilian Trần hay nhóm kỹ xảo của Bad Clay đã cùng phối hợp rất nhịp nhàng để đáp ứng yêu cầu khắt khe của đạo diễn Victor Vũ. Đặc biệt, nghi thức biến nhân vật Hùng (Quách Ngọc Ngoan) thành bất tử trong lễ hiến tế được xem là ấn tượng và khó khăn nhất.
Anh Vũ cũng cho biết hiện nay có không ít phim nếu khán giả là người ngoại đạo thậm chí khó nhận ra phân cảnh nào có dùng kỹ xảo nếu không phải đại cảnh.
Đồng quan điểm đó, anh Nguyễn Hữu Tín - đến từ một trong những công ty thực hiện kỹ xảo có tiếng tại Việt Nam - Bad Clay, chia sẻ: “Kỹ xảo trong phim Việt đã có nhiều thay đổi so với trước đây, đặc biệt khi các công nghệ 3D, CGI (công nghệ mô phỏng hình ảnh bằng máy tính) ngày càng phát triển mạnh”.
Thực tế cho thấy, nếu như trước đây phần hậu kỳ, đặc biệt kỹ xảo thường được đưa qua Thái Lan, Mỹ làm… nay được thực hiện tại Việt Nam. Không chỉ các phim hành động, cổ trang, thần thoại… ngay cả các phim tâm lý tình cảm cũng sử dụng kỹ xảo như một phần tất yếu với mong muốn hạn chế lỗi trong quá trình quay, có những khung hình đẹp nhất khi ra rạp. Nhiều phim có thể thành công hay chưa thành công về doanh thu phòng vé nhưng không thể phủ nhận sự đóng góp lớn của kỹ xảo và công nghệ làm phim hiện đại.
Nhiều tồn tại
Để có những khung hình đẹp lên phim, chắc chắn cần sự đầu tư tương xứng. Ê kíp sản xuất 11 niềm hy vọng từng chịu chơi khi dựng phim trường là 2 sân bóng có kích thước bằng nửa sân bóng thật, toàn bộ được phủ phông xanh. Quá trình hậu kỳ sẽ dùng kỹ xảo để tách lớp phông này, thay thế bằng sân vận động hàng ngàn khán giả.
Đặc biệt, để tạo cú vô lê trong trận chung kết là kết quả của việc dựng dàn khung 8m với 36 máy quay chuyên nghiệp xếp thành hình chữ C thẳng đứng. Kỹ thuật quay “ngưng đọng thời gian” (freeze time) cũng được nghiên cứu trong gần nửa năm, qua nhiều buổi thử nghiệm trước khi đưa vào thực hiện.
Trong khi đó, với đạo diễn Lý Hải, để có cảnh quay núi lở chưa đầy 5 phút trong Lật mặt 3, ngoài việc tự dựng ngọn núi giả phải sử dụng một chiếc máy quay với lens (ống kính) chuyên dụng có thể thu phóng kích thước vật thể lên đến 30 lần.
Anh tiết lộ: “Chiếc ống kính được sử dụng trong cảnh quay này là một sản phẩm được nhập khẩu từ Philippines với chi phí thuê về rất cao”. Với các cảnh hành động rượt đuổi, ê kíp đầu tư tổng cộng 4 xe gồm 1 bán tải, 1 xe 30 chỗ và 2 xe đời mới sản xuất từ năm 2014, 2015. Các thiết bị ghi hình như máy quay độ phân giải 6K, flycam hiện đại… cũng được sử dụng.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kinh phí sản xuất các phim điện ảnh Việt vẫn ở mức thấp, số phim vượt qua 1 triệu USD (hơn 23 tỷ đồng) cũng chỉ đếm trên đầu ngón tay không phải ê kíp nào cũng chịu đầu tư như hai dự án nói trên. Và tất yếu chi phí cho công nghệ, kỹ xảo còn khá hạn chế. Anh Hữu Tín phân tích, phim Việt hiện nay chủ yếu phục vụ cho người Việt, số bán đi nước ngoài còn rất ít. Bên cạnh đó, một bộ phận khán giả chưa hẳn thích phim Việt, đặc biệt các phim có yếu tố kỹ xảo chưa làm hài lòng khán giả trong nước.
Anh Vũ khẳng định: “Với kinh phí hiện tại, không thể đòi hỏi cao. Lượng khán giả coi phim Việt chưa nhiều trong khi những phim được đánh giá cao kén người xem, nhà đầu tư rất khó thu hồi vốn. Đó là lý do họ luôn muốn tiết kiệm mọi thứ. Để giải quyết bài toán, cả hai phải tìm ra tiếng nói chung. Thị trường luôn có mức giá khác nhau, do đó chi phí và thời gian bỏ ra như thế nào sẽ có chất lượng tương ứng”.
Cũng vì câu chuyện kinh phí, hiện phim Việt đang thiếu những đại cảnh đủ sức làm mãn nhãn và hài lòng khán giả trong nước.
Hiện nay, việc sử dụng công nghệ, kỹ xảo dù là tất yếu nhưng không phải dự án nào cũng được thực hiện một cách chỉn chu, bài bản. Nhiều phim có kỹ xảo chất lượng tốt và ngược lại.
Mùa phim tết vừa qua, Táo quậy được quảng bá là có đến 30% cảnh quay sử dụng kỹ xảo nhưng khi phim ra rạp bị đánh giá là vụng về, chắp vá, không đẹp mắt. Trạng Quỳnh, theo đạo diễn Đức Thịnh dùng nhiều kỹ xảo cho các cảnh diễn phông xanh của diễn viên, đại cảnh nhưng nhiều trường đoạn chưa được mượt mà, còn để lộ khuyết điểm. Thậm chí, với dự án được đánh giá khá cao như Tấm Cám: Chuyện chưa kể, các cảnh chiến đấu, trận chiến với yêu tinh ở cuối phim cũng bị chê khá nhiều.
Một tồn tại khác, đó là sự thiếu đồng bộ hóa, chuyên nghiệp trong các khâu sản xuất. Thực tế, nhiều đoàn phim từ tác giả biên kịch, đạo diễn cho đến quay phim… chưa đủ hiểu biết và hình dung về độ khó cũng như sẽ sử dụng kỹ xảo như thế nào. Để giải quyết vấn đề, họ mặc định giao phó trách nhiệm cho đội ngũ làm kỹ xảo.
Anh Tín chia sẻ: “Một số phim có thuê đội ngũ làm kỹ xảo ra trường quay để góp ý, bàn bạc. Trong khi đó, nhiều phim các cảnh quay không đạt chuẩn, quá trình làm hậu kỳ rất khó khăn. Chính vì chưa có sự liên kết nhịp nhàng đó nên việc phối hợp còn thiếu ăn ý để tạo tác phẩm chất lượng tốt nhất”.
Tuy nhiên, với nhiều nhân sự được đào tạo từ nước ngoài về, chúng ta có đủ khả năng để làm được những sản phẩm chất lượng, đạt chuẩn quốc tế nếu kinh phí cho phép. Thực tế cho thấy, nhiều nhân sự làm kỹ xảo người Việt đã tham gia vào các công đoạn khác nhau của các bom tấn nước ngoài: Fast & Furious 7, The Day After Tomorrow, Captain America: Winter the Soldier, Snow White and the Huntsman, Skyfall: 007…
Hiện nay, đội ngũ làm kỹ xảo Việt một lượng lớn được đào tạo từ nước ngoài, sau đó về nước thành lập các công ty. Trong nước, ngành này bắt đầu rộ lên cách đây vài năm với các trung tâm đào tạo: Arena Multimedia, VTC Academy, Art Creative, khoa đồ họa các trường mỹ thuật, công nghiệp, kiến trúc, các khóa học đồ họa ngắn hạn…
Để đội ngũ nhân sự kỹ xảo Việt ngày càng lớn mạnh, ngoài quy chuẩn đào tạo, cần xây dựng cộng đồng vững mạnh, thay đổi cách nhìn của các nhà sản xuất hay khách hàng về năng lực của người Việt.
Với đặc thù là ngành rất khó, mỗi người chỉ giỏi một lĩnh vực nhất định, các chuyên gia về kỹ xảo đều mong và tin trong tương lai công tác đào tạo sẽ đi vào chuyên nghiệp hóa.