Chị H. không làm theo, bởi chị đã nghiên cứu đầy đủ các thủ tục và tiến hành đăng ký trực tuyến trên Cổng thông tin dịch vụ quốc gia. Dù vậy, rõ ràng sự hướng dẫn kia cho thấy suy nghĩ phải có “phí bôi trơn”, “phí lót tay” đã ăn sâu vào tâm trí của người dân mỗi khi phải gặp cán bộ. Hay chúng ta cũng thường nghe câu nói đại khái “cán bộ không sống bằng lương…”, nghe rất xót xa nhưng thực tế không phải không có.
Những vụ việc, vụ án tham nhũng lớn, người dân thường được biết gián tiếp qua báo đài, truyền thông, còn tham nhũng vặt họ mắt thấy, tai nghe. Điều đó trực tiếp làm xói mòn lòng tin của người dân vào một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức. Và khi cán bộ quen được “lót tay” thì sẽ coi đó là nghĩa vụ của người dân, cấp nhỏ nhận “phí lót tay” vụn vặt, cấp lớn hơn thì phí này phải khác đi. Dần dà hình thành tâm lý ở đâu cũng phải được “bôi trơn” thì việc mới chạy. Nếu không ngăn chặn, tư tưởng này sẽ làm thoái hóa đội ngũ cán bộ, công chức.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều giải pháp, ban hành nhiều quy định để phòng chống tham nhũng, trong đó có tham nhũng vặt. Mỗi địa phương cũng đưa ra giải pháp để ngăn chặn tình trạng này. Tại TPHCM, các cấp, các ngành, các địa phương, đơn vị đang đẩy mạnh chuyển đổi số, cải cách hành chính, nâng cao chất lượng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 để hạn chế người dân phải tiếp xúc trực tiếp với cán bộ, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, phiền hà. Cùng với đó, thực hiện nghiêm quy định về luân chuyển cán bộ, nhất là những bộ phận, vị trí dễ phát sinh tiêu cực. TPHCM cũng đẩy mạnh công tác kiểm tra giám sát, tự kiểm tra giám sát ở các cơ quan, đơn vị nhằm phát hiện sớm và ngăn chặn từ xa các hành vi tham nhũng, tiêu cực.
Khi người dân tin rằng những hành vi tham nhũng vặt sẽ bị trừng trị, cán bộ làm việc trên tinh thần phục vụ, bình đẳng đối với mọi người thì nhũng nhiễu, tiêu cực sẽ không còn đất sống.