Ngày 28-10, tại Hà Nội, Bộ Nội vụ tổ chức Hội thảo khoa học “Giải pháp xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược theo tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW” với sự tham gia của các chuyên gia, các nhà quản lý, nhà khoa học.
Hội thảo là diễn đàn để các đại biểu chia sẻ thêm những thông tin, luận cứ khoa học về xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, giúp Bộ Nội vụ củng cố thêm các luận cứ khoa học cho việc tham mưu giúp Đảng và Nhà nước về công tác cán bộ, đặc biệt là xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược.
Tại hội thảo, GS-TS Võ Khánh Vinh, nguyên Giám đốc Học viện Khoa học xã hội nhấn mạnh đến tầm quan trọng của công tác tham mưu; trong đó, các yếu tố cần phải có của cán bộ làm công tác tham mưu là năng lực, phẩm chất, uy tín.
GS-TS Võ Khánh Vinh cho rằng, công tác tham mưu, đặc biệt tham mưu cấp chiến lược là hoạt động góp phần hình thành chính sách, pháp luật tốt, “vai trò của người quyết định rất quan trọng nhưng công tác tham mưu còn quan trọng hơn”. Bởi vì, tham mưu là điểm đầu của sáng tạo, sáng tạo xây dựng chính sách, pháp luật để xây dựng đất nước phát triển; do đó, phải xác định rõ vai trò tham mưu của cán bộ và phải coi đây mà một nghề mang tính chuyên nghiệp.
Về năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược được hiểu như một hệ thống năng lực của đội ngũ, bao gồm: năng lực tư duy và năng lực nhận biết (tư duy vượt trước và tư duy sáng tạo); năng lực trí tuệ; năng lực tầm nhìn (năng lực xác định mục tiêu, năng lực các quan điểm và định hướng phát triển); năng lực đánh giá; năng lực nhạy bén chính trị.
“Năng lực cán bộ tham mưu cấp chiến lược ở nước ta có tiềm năng lớn, có năng lực, có khả năng tham mưu chính sách pháp luật trong bối cảnh xã hội thay đổi. Về phẩm chất, nhìn chung đội ngũ cán bộ này có lập trường, tư tưởng vững vàng, có đạo đức, có uy tín… Tuy nhiên, đội ngũ này còn thiếu và yếu; không đồng đều ở các ngành, lĩnh vực khác nhau; hẫng hụt về thế hệ. Bên cạnh đó, công tác cán bộ đối với đội ngũ này còn nhiều bất cập, chưa có chính sách cụ thể, chưa có bộ tiêu chí đánh giá, chưa có môi trường để phát huy sáng tạo của đội ngũ này”, GS Vinh cho biết.
Trong khi đó, GS-TSKH Trần Văn Nhung, nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng chức danh giáo sư Nhà nước đánh giá cao việc ra đời của Nghị quyết số 26 về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Nghị quyết đã trình bày lý luận, thực tiễn của công tác xây dựng đội ngũ cán bộ rường cột, bảo đảm thắng lợi của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Theo GS-TSKH Trần Văn Nhung, tiêu chuẩn cán bộ cấp chiến lược cần có trong thời đại công nghệ 4.0 là phải nhìn vào bản chất, tố chất con người, đó là: có sức khỏe tốt, có tầm nhìn, có trái tim nhân hậu; có bộ óc tốt, có kỹ năng sống tốt, có ngoại ngữ và công nghệ thông tin tốt. Đồng thời, ông bày tỏ vai trò và tầm cỡ quốc gia, quốc tế của những cán bộ cấp chiến lược, nhất là trong giai đoạn hiện nay cần phải có những năng lực và phẩm chất làm việc, lãnh đạo ở quy mô sâu rộng trong thời đại toàn cầu hóa, để xây dựng, phát triển bền vững và hợp tác, đấu tranh hiệu quả bảo vệ đất nước.
Có ý kiến tại hội thảo, PGS-TS Vũ Văn Phúc, nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Cộng sản, dẫn lời Chủ tịch Hồ Chí Minh, “Cán bộ là gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”, do đó, cán bộ cấp chiến lược là gốc của gốc. Muốn xây dựng được đội ngũ cán bộ cấp chiến lược có đủ năng lực, phẩm chất, xứng tầm nhiệm vụ thì công tác cán bộ phải được công khai, minh bạch; công khai từ đầu vào đến đầu ra và phải cạnh tranh lành mạnh. Phải phát huy dân chủ hơn nữa trong Đảng và xã hội để nhân dân giám sát; phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh; kỷ luật cả những người làm công tác tổ chức cán bộ nếu cán bộ đó vi phạm pháp luật như một số cán bộ trong thời gian vừa qua.
Liên quan đến quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, TS Trần Văn Tuấn, nguyên Bộ trưởng Bộ Nội vụ đề nghị, việc tổ chức quy hoạch phải nghiên cứu để khắc phục quy trình công tác cán bộ hạn chế hiện nay; thực hiện việc luân chuyển để thử tài cán bộ, phải đưa cán bộ thử sức với nhiệm vụ khó để đánh giá năng lực thực tài.
Về quy trình, việc tổ chức quy hoạch đã có nhiều bước và rất rõ nhưng chưa kết hợp được nguyên tắc tập trung và nguyên tắc dân chủ; cần xây dựng cơ chế bảo vệ người dám làm, dám chịu, khách quan, công bằng, do đó, đề nghị Ban Tổ chức Trung ương và Bộ Nội vụ xây dựng và trình cấp có thẩm quyền quyết định.