Phản ánh của người dân được xử lý liền
Thấy trong khuôn viên chung cư còn có người đi tập thể dục, bà N.T.T.B (ngụ chung cư Citihome, phường Cát Lái, TP Thủ Đức) gọi ngay cho Chủ tịch UBND phường Cát Lái. Nhận được tin báo, Chủ tịch UBND phường Cát Lái chỉ đạo lực lượng tới nhắc nhở, xử lý.
Bà B. cho biết, thi thoảng cũng thấy có người không tuân thủ quy định giãn cách để phòng chống dịch, bà chỉ biết báo cho ban quản lý nhưng gần như không hiệu quả.
“Mới đây, phường công khai số điện thoại cá nhân của lãnh đạo phường, tôi gọi thử xem được giải quyết đến đâu. Không ngờ sự việc được lãnh đạo phường tiếp nhận và chỉ đạo giải quyết liền. Phải rốt ráo như vậy thì người dân mới an tâm”, bà B. chia sẻ.
Thời điểm này, nhu cầu của người dân tập trung vào chăm sóc y tế, cung cấp nhu yếu phẩm. Các phường, xã công khai số điện thoại từng cá nhân phụ trách lĩnh vực, thay vì người dân tự tìm kiếm như trước đây, đã tạo sự tin tưởng và minh bạch. Đây cũng là lần đầu tiên các số điện thoại cá nhân của lãnh đạo địa phương được công khai rộng rãi đến từng người dân TPHCM.
Chị Nguyễn Thị Phượng, sống tại chung cư Hồ Văn Huê, phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, từ lúc có số điện thoại đăng ký đi chợ giùm, chị bớt nỗi lo về đồ ăn thức uống. Chị Phượng đăng ký theo combo có sẵn, giá tiền rõ ràng, thực phẩm phù hợp với bữa ăn hàng ngày.
“Dù giao hàng còn hơi chậm nhưng tôi chờ được vì có chuẩn bị sẵn. Quan trọng nhất là việc công khai số điện thoại của tổ đi chợ giúp dân và của lãnh đạo phường giúp tôi yên tâm hơn nếu như có chuyện khẩn cấp cần hỗ trợ”, chị Phượng chia sẻ.
Anh Lữ Hà Minh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ phường 9, quận Phú Nhuận cho biết, từ khi công khai số điên thoại đi chợ giúp dân, phường tiếp nhận trên 100 đơn hàng mỗi ngày. Trong khi trước đó, chỉ khoảng 30 đơn.
“Lượng công việc tăng đột biến nhưng hỗ trợ được nhiều bà con hơn, nên tất cả anh em đều rất cố gắng hoàn thành”, anh Minh khẳng định. Nhiều tổ trưởng tổ dân phố lên đơn hàng bằng excel, thu tiền trước nên việc mua hàng nhanh chóng. Khó khăn nhất là khâu vận chuyển, do địa bàn phường 9 rộng, nhiều hẻm đã bị rào để bảo vệ vùng xanh, nên tình nguyện viên phải đi đường vòng giao thực phẩm cho bà con.
Còn theo ông Huỳnh Đức Toàn, Chủ tịch UBND phường 3, quận 5, sau khi công khai số điện thoại đến người dân, các phản ánh không nhiều, do địa phương đảm bảo thông tin thông suốt, người dân được hỗ trợ nhanh chóng, đặc biệt là về y tế.
Danh bạ số điện thoại của lãnh đạo được phát đến từng hộ dân
Đại diện UBND TP Thủ Đức cho biết, đến ngày 28-8, lãnh đạo phường, MTTQ, công an, quân sự và tổ trưởng các Tổ An sinh xã hội của 34 phường trên địa bàn thành phố Thủ Đức đã công bố số điện thoại cá nhân (cùng với các số điện thoại đường dây nóng vận hành lâu nay) để người dân gọi khi có yêu cầu cấp thiết về y tế, an sinh xã hội.
Việc cung cấp số điện thoại phải được thực hiện sâu sát đến từng hộ dân. Cụ thể, tại các khu dân cư, số điện thoại phải được dán ở nhiều vị trí để người dân dễ thấy; đồng thời in tờ rơi phát cho từng hộ dân, từng phòng trọ. Đối với các chung cư, các địa phương cũng đã phổ biến số điện thoại lãnh đạo, số đường dây nóng đến Ban Quản trị, Ban Quản lý để phổ biến trong các group dân cư; đồng thời in ra phát cho từng hộ dân. TP Thủ Đức cũng yêu cầu lãnh đạo các địa phương phải nghe điện thoại 24/24, giải quyết liền các yêu cầu chính đáng của người dân.
Cũng theo vị này, từ đầu tháng 8, TP Thủ Đức đã tổ chức đường dây nóng là tổng đài 1800 -1722 với 15 thành viên trực 24-24 để tiếp nhận các phản ánh của người dân và chuyển về các đơn vị phụ trách để giải quyết.
Tương tự, 10 phường trên địa bàn quận 7 cũng đã công khai số điện thoại của lãnh đạo phường. Lãnh đạo quận 7 cho biết, từ giữa tháng 7, quận đã chủ động yêu cầu công khai danh sách số điện thoại cá nhân của lãnh đạo các phường. Mới đây, ngay sau khi quận thành lập các trạm y tế lưu động, số điện thoại đường dây nóng và số điện thoại cá nhân người phụ trách của 34 trạm y tế lưu động trên địa bàn 10 phường cũng được công khai qua các trang mạng xã hội chính thức của quận, của phường và các kênh zalo, group cư dân…
PV Báo SGGP đã làm một cuộc khảo sát nhỏ với người dân phường Tân Thuận Đông, Tân Hưng và Phú Thuận, hầu hết đều có lưu đầy đủ số điện thoại các lãnh đạo và lực lượng phụ trách y tế. Một vài người cho biết không lưu nhưng có ghi lại để mọi người trong nhà sử dụng nếu cần.
Từ ngày 27-8, số điện thoại cá nhân của các Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND phường và Chủ tịch Ủy ban MTTQ của 17 phường trên địa bàn quận Phú Nhuận cũng đã được công khai đến các hộ dân. Trước đó, quận này cũng đã công khai số điện thoại cá nhân người phụ trách của 13 trạm y tế lưu động trên các trang mạng xã hội chính thức của địa phương.
Các phường tại quận 5 cũng công khai “combo số điện thoại” của các lãnh đạo để người dân gọi bất cứ khi nào có nhu cầu về y tế, an sinh xã hội hoặc các phản ánh khác. Trong đó có số điện thoại của Chủ tịch UBND phường – người tiếp nhận các phản ánh; Phó Chủ tịch UBND phường và Trạm trưởng Trạm y tế - hỗ trợ về y tế; Phó Bí thư Đảng ủy và Phó Chủ tịch UBND phường – hỗ trợ đi chợ giúp dân.