Ngành hải quan TPHCM tổ chức thi đua đối với cán bộ, công chức không chỉ hướng đến công tác xây dựng hình ảnh, cốt cách con người, mà còn là hoạt động quan trọng để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các nhiệm vụ được giao.
Chiều 12-9, ông Đinh Ngọc Thắng, Cục trưởng Cục Hải quan TPHCM tại buổi phát động “Cán bộ, công chức Cục Hải quan TP thi đua thực hiện văn hóa công sở” chia sẻ, sẽ tích cực xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức chuyên nghiệp, thân thiện, sáng tạo… Trong đó nhấn mạnh đến yếu tố làm hài lòng người dân, doanh nghiệp.
Cán bộ hải quan TPHCM làm thủ tục hải quan cho người dân, doanh nghiệp Ông Thắng cho biết, thời đại cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra mạnh mẽ, đòi hỏi cán bộ công chức cần tự uốn nắn, rèn luyện bản thân để trở thành những con người mẫu mực, văn minh, hiện đại. Văn hoá nói chung và văn hoá công sở không thể đo lường trực tiếp, mà được hình thành từ trong ý thức mỗi người. Mối quan hệ tác động này ảnh hưởng trực tiếp lên hiệu quả công việc hàng ngày.
Trong tình hình hiện nay, Chính phủ, Bộ Nội vụ đang quyết liệt thực hiện các chương trình tinh giản biên chế, kiện toàn bộ máy tổ chức. Biên chế của Cục Hải quan TPHCM trong các năm vừa qua không được bổ sung, trong bối cảnh các công việc, nhiệm vụ của Cục ngày một tăng lên về số lượng và khó khăn về triển khai thực hiện. Vì vậy, tổ chức thi đua đối với cán bộ, công chức không chỉ hướng đến công tác xây dựng hình ảnh, cốt cách con người, mà còn là hoạt động quan trọng để tăng cường nguồn nhân lực chất lượng, đáp ứng được các nhiệm vụ được giao.
Hải quan TPHCM ký kết phong trào thi đua thực hiện văn hóa công sở chiều 12-9 Cùng ngày, Bộ Tài chính tổ chức hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm phát triển Chính phủ điện tử giai đoạn 2019-2020, định hướng 2025. Theo Bộ Tài chính, đến năm 2020, ngành tài chính phấn đấu tối thiểu 30% dịch vụ công trực tuyến thực hiện ở mức độ 4; 100% dịch vụ công được hỗ trợ giải đáp thắc mắc cho người dân, doanh nghiệp; công khai mức độ hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến; 20% dịch vụ công trực tuyến sử dụng chữ ký số trên nền tảng di động để thực hiện thủ tục hành chính; 50% dịch vụ công trực tuyến xử lý bằng hồ sơ điện tử; 20% thông tin của người dân được tự động nhập vào biểu mẫu trực tuyến; 50% dịch vụ công trực tuyến sử dụng dữ liệu từ Cơ sở dữ liệu quốc gia về Đăng ký doanh nghiệp.
Sang giai đoạn 2021 – 2025, Bộ Tài chính sẽ tích hợp 50% các dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của Bộ Tài chính với Cổng Dịch vụ công quốc gia; tỷ lệ hồ sơ giải quyết theo dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 đạt từ 50% trở lên; 80% thủ tục hành chính đáp ứng yêu cầu được triển khai dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4; 90% hồ sơ công việc tại Bộ Tài chính được xử lý trên môi trường mạng...
THI HỒNG