Sáng nay 19-9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho ý kiến về báo cáo tổng hợp của Chính phủ, báo cáo của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và cá nhân có liên quan về việc thực hiện nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề và chất vấn tại kỳ họp, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn tại phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ điều hành phiên họp. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng và nhiều vị Bộ trưởng, Trưởng ngành cùng dự họp.
Liên quan đến việc thực hiện Nghị quyết số 32/2016/QH14 về về tiếp tục nâng cao hiệu lực, hiệu quả việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp, Tổng Thư ký thẳng thắn “phê bình” Chính phủ chưa gửi báo cáo kịp thời, nên Ủy ban của Quốc hội cũng chưa thẩm tra.
Đề cập đến lĩnh vực giáo dục – đào tạo, ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, trong số 14 đề án để thực hiện các nhiệm vụ được giao trong Nghị quyết 29/TƯ đã được xây dựng, triển khai; đến nay 10 đề án đã được ban hành, 2 đề án đã trình và 2 đề án đang hoàn thiện.
Trong đó, việc đổi mới tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia hai trong một được coi là “đã mang lại những kết quả nhất định”, song kết quả kỳ thi THPT Quốc gia còn để xảy ra sai phạm ở một số địa phương, gây bức xúc trong nhân dân.
“Việc phân luồng học sinh phổ thông, nhất là phân luồng sau trung học cơ sở chuyển biến chậm. Việc dạy và học ngoại ngữ còn có những khó khăn nhất định. Nhiều địa phương thực hiện mô hình VNEN không hiệu quả. Tình trạng dạy thêm, học thêm trái quy định vẫn chưa được khắc phục, công tác sửa đổi, phát hành sách giáo khoa còn nhiều bất cập. Dự thảo Đề án quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học và đào tạo giáo viên giai đoạn 2021-2030 và tầm nhìn 2035 không được công khai để lấy ý kiến của người dân. Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học chưa gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển nguồn nhân lực theo tinh thần Nghị quyết 29/TW”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu. |
Đây cũng là quan điểm của Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải. Nhìn nhận có những vấn đề trong giáo dục phải hàng chục năm sau mới thấy rõ hiệu quả, giống như trồng cây thì phải đợi đến ngày ăn quả, nhưng bà Nguyễn Thanh Hải khẳng định, có những việc đã rõ ràng như chuyện SGK dùng một lần - đã được phản ánh từ các nhiệm kỳ Bộ trưởng trước - đến nay vẫn không được giải quyết thoả đáng.
“Có câu chuyện lợi ích nhóm trong biên soạn và phát hành SGK”, Trưởng Ban Dân nguyện quả quyết.