Công khai đề án tuyển sinh một cách nửa vời

Hiện nay nhiều trường vẫn chưa công bố hoặc công bố thiếu nhiều thông tin như: kết quả tuyển sinh của 2 năm trước đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu...

Theo quy chế tuyển sinh của Bộ GD-ĐT cũng như Nghị định 04/2021/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục (có hiệu lực từ tháng 3-2021), việc công khai đầy đủ thông tin tuyển sinh là bắt buộc để thí sinh nắm bắt thông tin đăng ký xét tuyển cũng như xã hội giám sát. Tuy nhiên, hiện nay nhiều trường vẫn chưa công bố hoặc công bố thiếu nhiều thông tin như: kết quả tuyển sinh của 2 năm trước đó, đội ngũ giảng viên cơ hữu...

Thí sinh đăng ký xét tuyển bằng điểm học bạ THPT năm 2021 tại Trường ĐH Công nghệ TPHCM

Thiếu nhiều thông tin

Dù thí sinh đã kết thúc làm hồ sơ đăng ký dự thi THPT 2021 và xét tuyển đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) nhưng tìm hiểu thông tin về đề án tuyển sinh của không ít trường hiện nay lại thiếu rất nhiều thông tin quan trọng. Vào trang tuyển sinh của Trường ĐH Công nghệ TPHCM có rất nhiều thông tin tuyển sinh về tiến sĩ, thạc sĩ, ĐH. Song, thông tin tuyển sinh ĐH năm 2021 chỉ thấy thời hạn xét tuyển, 51 ngành, chuyên ngành cùng tổ hợp xét tuyển, còn chỉ tiêu từng ngành thì hoàn toàn không có. 
 
Còn Trường ĐH Văn Hiến, trên mục tuyển sinh cũng không tìm thấy đề án tuyển sinh năm 2021. Thông tin tuyển sinh của trường này vỏn vẹn ngành, tổ hợp, phương thức, thời hạn xét tuyển. Còn tất cả các thông tin khác như đội ngũ giảng viên, kết quả tuyển sinh 2 năm liền kề… đều không thấy công khai đầy đủ.  

Tương tự, tại Trường ĐH Nguyễn Tất Thành, đề án tuyển sinh năm 2021 cũng chưa được trường công bố đầy đủ. Trường chỉ mới công bố thông tin tuyển sinh (48 ngành, tổ hợp, phương thức xét tuyển…). Tuy nhiên, thông tin lại thiếu phần chỉ tiêu của từng ngành. Về đề án tuyển sinh năm 2021, TS Trần Ái Cầm, Hiệu trưởng nhà trường, cho biết đề án tuyển sinh trường đã chuyển Bộ GD-ĐT, bộ đã nhận và sẽ hậu kiểm.  

Trên trang web của Trường ĐH Ngoại ngữ Tin học TPHCM, chỉ thấy công bố các phương án tuyển sinh năm 2021. Đáng nói là thông tin về chỉ tiêu xét tuyển của từng ngành cũng không được trường công bố. 

Còn nhiều trường ĐH khác đến nay vẫn chưa công bố đề án tuyển sinh hoàn chỉnh trên website của trường. Đa phần các trường mới chỉ thông tin về ngành nghề, tổ hợp xét tuyển, thời hạn xét tuyển, thời gian nộp hồ sơ (xét học bạ THPT, kỳ thi riêng do trường tổ chức, xét bằng điểm thi tốt nghiệp THPT), học phí…

Bắt buộc phải công khai đầy đủ

Theo Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT), việc công khai đề án tuyển sinh là yêu cầu bắt buộc. Ngoài việc các trường phải gửi đề án tuyển sinh về Bộ GD-ĐT thì các trường phải công khai trên website của trường để thí sinh nắm rõ, xã hội giám sát. 

Theo Nghị định 04/2021/NĐ-CP, tại Điều 7 cũng quy định phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Công khai không đầy đủ các nội dung theo quy định tại quy chế thực hiện công khai đối với cơ sở giáo dục và đào tạo thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và các văn bản pháp luật khác có liên quan…; phạt tiền từ 20 - 30 triệu đồng đối với một trong các hành vi sau: Công khai không chính xác các nội dung theo quy định của pháp luật hiện hành. Cùng với việc xử phạt, cơ quan chức năng cũng yêu cầu buộc thực hiện công khai theo quy định đối với hành vi vi phạm quy định này. 

Cũng theo Nghị định 04, tại Điều 8 quy định xử phạt về các hành vi vi phạm quy định về tổ chức tuyển sinh như: Thông báo tuyển sinh, công bố đề án tuyển sinh không đúng hoặc không đầy đủ thông tin theo quy định của pháp luật hiện hành; công bố chỉ tiêu tuyển sinh vượt số lượng theo quy định về xác định chỉ tiêu tuyển sinh; tổ chức tuyển sinh đối với ngành, chuyên ngành hoặc chương trình giáo dục của nước ngoài khi chưa được phép thực hiện...
 
TS Hoàng Ngọc Vinh, thành viên Tổ Tư vấn Ủy ban Đổi mới giáo dục quốc gia 2016-2021, cho rằng: Các cơ sở giáo dục ĐH không công khai đầy đủ thông tin tuyển sinh là cố tình làm sai và vi phạm pháp luật. Tự chủ không có nghĩa là muốn làm gì thì làm và trách nhiệm của cơ quan quản lý cũng phải siết chặt hơn. Trách nhiệm này trước hết phải là Vụ Giáo dục Đại học của Bộ GD-ĐT. Cùng với đó, Thanh tra Bộ GD-ĐT phải tăng cường vào cuộc để đảm bảo thực thi đúng pháp luật và buộc các cơ sở giáo dục phải thực hiện trách nhiệm giải trình trước xã hội.

Tin cùng chuyên mục