Áp lực từ rác thải chôn lấp
Theo Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM, hiện lượng rác thải tại TP đã tăng lên mức hơn 9.000 tấn/ngày. Trong đó, lượng rác tái chế thành phân hữu cơ compost chỉ đạt chưa tới 3.000 tấn/ngày. Số còn lại phải xử lý bằng biện pháp chôn lấp tại bãi rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam quản lý. Việc xử lý rác bằng biện pháp chôn lấp đã và đang gây ra những hệ quả môi trường nhất định như phát sinh mùi hôi, ô nhiễm thứ cấp; đặc biệt tiêu tốn quá nhiều diện tích đất, trong bối cảnh TPHCM đang rất cần quỹ đất phục vụ cho hoạt động sản xuất công nghiệp và các mục đích phát triển kinh tế - xã hội khác.
Trước thực tế đó, từ cuối năm 2017, UBND TP đã tổ chức cuộc họp mời gọi đầu tư xử lý rác thải bằng công nghệ hiện đại, trong đó nêu rõ ưu tiên kêu gọi đầu tư xử lý rác thải thành điện sạch. Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM cho biết, trên cơ sở chỉ đạo của Thành ủy, UBND TPHCM, từ đầu tháng 1-2018, sở đã hoàn thiện và trình UBND TP phê duyệt kế hoạch tổ chức đấu thầu, tiêu chí và quy trình lựa chọn nhà đầu tư thực hiện các dự án xử lý chất thải rắn bằng công nghệ đốt phát điện trên địa bàn thành phố năm 2018.
Theo đó, tiêu chí để xét chọn năng lực nhà đầu tư căn cứ trên 4 tiêu chí là khả năng tiếp nhận rác phải đạt mức 1.000 tấn/ngày, có tính thêm yếu tố như khả năng mở rộng công suất xử lý, linh hoạt tiếp nhận, vận hành, xử lý chất thải bao gồm đã phân loại và không qua phân loại. Tiêu chí thứ hai tập trung vào đơn giá xử lý phù hợp. Đơn giá này sẽ được xem xét trên cơ sở công nghệ và giá bán điện để xác định mức tiêu chí xử lý phù hợp. Một tiêu chí được xem là rất quan trọng là diện tích đất mà nhà đầu tư cần sử dụng cho dự án. Diện tích đất này sẽ không được vượt quá 10ha/1.000 tấn rác. Và tiêu chí cuối cùng sẽ dựa trên hiệu suất tái tạo năng lượng. Ước lượng nếu xử lý rác chưa phân loại sẽ phải đạt ít nhất là 15 - 20kW/tấn. Còn nếu rác đã được phân loại thì phải đạt công suất sản xuất điện là trên 20kW/tấn.
Bên cạnh đó sẽ có 6 bước quy trình thực hiện đấu thầu do Sở Kế hoạch và Đầu tư chịu trách nhiệm. Cụ thể, sở sẽ trình duyệt danh mục dự án sử dụng đất và công bố dự án. Kế đến, bộ phận thẩm định của Sở Kế hoạch và Đầu tư kết hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện sơ tuyển dự án tham gia, trình UBND TP kế hoạch lựa chọn nhà đầu tư. Cuối cùng là thực hiện đấu thầu công khai và đàm phán ký kết hợp đồng với doanh nghiệp được chọn xử lý chất thải rắn. Thời hạn để lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải không được quá 18 tháng kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ tham dự thầu của doanh nghiệp.
Chuyển hóa rác thải thành điện năng
Ông Nguyễn Toàn Thắng khẳng định, UBND TPHCM đã chỉ đạo Sở Tài nguyên và Môi trường cùng với các đơn vị liên quan là đến hết tháng 12-2018, các đơn vị phải hoàn thành việc lựa chọn nhà đầu tư xử lý chất thải rắn bằng công nghệ tiên tiến đốt phát điện theo hình thức xã hội hóa. Trong đó, tập trung thực hiện 2 dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt có kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp và nguy hại với công suất 1.000 tấn/ngày/dự án.
Trên cơ sở đó, đến nay, Sở Kế hoạch và Đầu tư đã công bố đấu thầu công khai dự án xử lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố. Dự án đưa ra đầu thầu đợt này bao gồm xây dựng 2 nhà máy xử lý chất thải rắn sinh hoạt công suất 1.000 tấn/ngày/dự án. Trong đó, ngoài xử lý rác thải sinh hoạt thì có kết hợp xử lý chất thải rắn công nghiệp nguy hại, chất thải y tế. Đây là dự án có sử dụng đất và địa điểm thực hiện dự án tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Tây Bắc, huyện Củ Chi, TPHCM. Hiện khu đất đã hoàn tất bồi thường giải phóng mặt bằng.
Hiện Sở Tài nguyên và Môi trường đã làm việc với các doanh nghiệp đang xử lý chất thải rắn là Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, Công ty Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Vietstar. Theo đó, sở đã yêu cầu các doanh nghiệp này chủ động xây dựng dự án chuyển đổi phương thức xử lý rác thải theo hướng hiện đại nhằm bắt kịp yêu cầu phát triển mới của thành phố. Hiện các công ty này đã hoàn tất phương án chuyển đổi công nghệ xử lý chất thải từ chôn lấp sang công nghệ đốt rác phát điện. Những phương án này đang được sở xem xét thông qua trong thời gian tới.
Có thể nói, việc thay đổi phương thức xử lý rác cũ bằng cách yêu cầu doanh nghiệp phải chuyển đổi công nghệ kết hợp với minh bạch, công khai đấu thầu đầu tư dự án xử lý rác mới, hứa hẹn sẽ tạo bước đột phá trong chuyển đổi công nghệ xử lý rác tiên tiến, hiện đại; đảm bảo môi trường và sự phát triển bền vững của thành phố trong thời gian tới. Đồng thời sẽ là cơ sở thực hiện mục tiêu đề ra trong chương trình giảm thiểu ô nhiễm môi trường giai đoạn 2016-2020. Theo đó, đến năm 2020, tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được xử lý bằng công nghệ chôn lấp hợp vệ sinh sẽ giảm tối đa là 50% và giảm còn 20% vào năm 2025.