Nhiều thí sinh được nâng điểm nghi vấn là con lãnh đạo
Đến thời điểm này, trong danh sách 44 thí sinh “dính” gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại Sơn La có tới 12 trường hợp nghi là con em cán bộ đang công tác trong ngành GD-ĐT tỉnh Sơn La.
Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng, gian dối trong thi cử ở bất cứ thời nào cũng bị coi là hành vi vi phạm pháp luật lẫn đạo đức xã hội. Không thể chấp nhận một thí sinh 0 điểm thành 9 điểm, không thể chấp nhận hành vi dùng quyền, tiền để đổi trắng thay đen. Nhất thiết phải trừng trị thật nghiêm những hành vi man trá ấy để làm gương, ngăn chặn hậu quả về sau.
Nếu xác định các phụ huynh đó có hành vi vi phạm thì trước mắt phải đình chỉ chức vụ để điều tra, truy tố trước pháp luật. Trong khi đó, nhà sử học Dương Trung Quốc cho rằng, không nên đánh đồng tất cả mà phải xác định rõ các phụ huynh đã vi phạm đến mức nào: sử dụng chức vụ, quyền hạn, hối lộ, hoặc dung túng cho việc xu nịnh của cán bộ cấp dưới đối với mình…, vi phạm đến đâu xử lý đến đó theo đúng pháp luật.
Công khai danh tính của người vi phạm chính là thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, sự gương mẫu của người lãnh đạo, người có chức quyền. Thời gian gần đây, Đảng cũng nhấn mạnh, càng là đảng viên, càng là người có chức quyền thì càng cần phải gương mẫu. Nếu che giấu việc này thì cũng chính là làm hại người ta. Nhưng kỷ luật nghiêm không có nghĩa là bêu riếu, mà cần tạo cơ hội để họ sửa chữa sai lầm.
Theo đó, có thể không công khai tên tuổi thí sinh, nhưng phải công khai danh tính phụ huynh nếu họ trực tiếp vi phạm. Đã là sai phạm thì phải được điều tra tới cùng, dù họ là ai, có tiền hay có quyền, từ đó xem xét, quy kết tội danh một cách minh bạch, đúng người đúng tội. Có như vậy người dân mới thấy pháp luật nghiêm minh, không dung túng, bao che cho những sai phạm, khuất tất.
Ngày 23-4: Họp về vụ án gian lận thi cử
Ông Bùi Sĩ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cũng cho rằng, nên công khai danh tính những phụ huynh có con được nâng điểm thi và làm rõ mức độ vi phạm của họ. Vì pháp luật đã quy định, mọi sai phạm đều phải công khai, minh bạch.
TS Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học, Bộ GD-ĐT, cho biết, nếu cha mẹ chạy điểm cho con thì thí sinh không có tội. Khi cơ quan điều tra kết luận, phụ huynh nào đưa hối lộ nâng điểm thi cho con, dù là quan chức nào cũng phải xử lý bình đẳng trước pháp luật.
Tối 18-4, bà Ngô Thị Minh, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, cho hay, ngày 23-4, ủy ban sẽ có cuộc làm việc với Bộ Công an và Bộ GD-ĐT để làm rõ những vấn đề xoay quanh vụ gian lận thi cử năm 2018. Lúc đó, mọi việc mà dư luận quan tâm sẽ phải được làm rõ, kể cả công khai danh tính hay không. Chúng tôi sẽ nghe 2 bộ báo cáo rõ.
Về thông tin hơn 20 thí sinh ở Sơn La được nâng điểm, nghi vấn là con em của lãnh đạo Sở GD-ĐT, Cục Thuế, UBND TP Sơn La, UBND huyện Quỳnh Nhai..., ông Nguyễn Đắc Quỳnh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Sơn La, cho biết, tỉnh mới nắm thông tin qua báo chí, chưa nhận được văn bản nào của Bộ GD-ĐT, Bộ Công an về danh sách này.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh Sơn La Nguyễn Văn Cảnh cho biết, phải chờ kết luận của cơ quan điều tra, khi đó tỉnh mới đưa ra biện pháp xử lý. Nếu cán bộ, đảng viên sai phạm thì phải xử lý nghiêm trước pháp luật.