Thoạt tiên, đồng khởi diễn ra tại Trà Bồng (Quảng Ngãi), Mỏ Cày (Bến Tre) và Tua Hai (Tây Ninh), sau đó như một mồi lửa, nhanh chóng lan bùng ra trên toàn chiến trường miền Nam, tạo nên sự cộng hưởng mạnh mẽ ở Sài Gòn - Gia Định.
1. Sài Gòn - Gia Định là nơi đặt đại bản doanh của quân viễn chinh Mỹ, “thủ đô”, trung tâm chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa của chế độ Việt Nam Cộng hòa; nơi phát ra và chỉ đạo thực hiện các chủ trương chiến lược, kế hoạch, biện pháp và thủ đoạn chiến thuật của cuộc chiến tranh xâm lược; cũng là trung tâm các phong trào đấu tranh chính trị của nhân dân miền Nam. Do đặc điểm nói trên, mỗi biến cố dù nhỏ diễn ra nơi đây đều chịu sự chi phối của bối cảnh chung, đồng thời có tác động, chi phối đến diễn biến của từng vùng chiến trường. Hoạt động đấu tranh chính trị và đấu tranh quân sự ở Sài Gòn - Gia Định trong những năm 1959 - 1960, do đó, luôn có mối liên hệ chặt chẽ với cuộc nổi dậy ở Trà Bồng, Mỏ Cày, Tua Hai. Nó là đợt hoạt động quan trọng trong chuỗi các sự kiện làm nên cao trào đồng khởi trên toàn miền Nam.
Từ sau Hiệp định Genève được ký kết, cách mạng Việt Nam bước sang một thời kỳ mới. Tuy nhiên, Mỹ - Diệm không thi hành hiệp định, sử dụng bạo lực phản cách mạng để trấn áp khủng bố những người yêu nước. Thực hiện chủ trương “cần chuẩn bị những điều kiện tối thiểu để khi cần thiết thì xây dựng lực lượng vũ trang và đấu tranh vũ trang” của Xứ ủy Nam bộ tại Hội nghị tháng 10-1954, Đặc khu Sài Gòn - Chợ Lớn tổ chức bố trí cán bộ ở lại và cất giấu một số vũ khí. Tính chung, toàn đặc khu đã sắp xếp hàng trăm cán bộ quân sự và chôn giấu khoảng gần 1.000 khẩu súng các loại.
Từ những năm 1958-1959, lực lượng vũ trang cách mạng được tái thành lập. Trong nội thành, đó là các đội “phòng cháy chữa cháy”, “chống trộm cướp” phát triển mạnh mẽ, vừa hỗ trợ các cuộc đấu tranh của quần chúng vừa để bảo vệ cán bộ, bảo vệ cơ sở cách mạng. Người của cách mạng xâm nhập các tổ chức công khai thuộc Tổng Liên đoàn Lao công do địch lập ra với phương châm “xanh vỏ đỏ lòng”. Giới trí thức bức xúc dưới chế độ độc tài, đòi được tự do báo chí, tự do ngôn luận.
Mâu thuẫn nội bộ chính quyền Ngô Đình Diệm tiếp tục phát triển gay gắt. Ở khu vực ngoại thành, các đại đội vũ trang cách mạng ở Hóc Môn (C13), Nhà Bè (C306), Rừng Sác (C12), trung đội Cao - Hòa - Bình (lấy danh nghĩa lực lượng vũ trang giáo phái Cao Đài, Hòa Hảo, Bình Xuyên) Củ Chi tổ chức nhiều trận tập kích địch đi lẻ ở quốc lộ 1, cầu Tân Thuận, Rạch Ông, bót Bà Chòi... Tuy nhiên, các cuộc đấu quân sự nói trên chỉ có ý nghĩa hỗ trợ cho các cuộc đấu tranh chính trị trong nội đô, diễn ra rời rạc, cục bộ, hiệu quả thấp.
2. Ngày 14-11-1959, Bí thư Xứ ủy Nam bộ Nguyễn Văn Linh nhận được điện thông báo của Ban Bí thư Trung ương Đảng về nội dung cơ bản của Nghị quyết 15, trong đó khẳng định “con đường phát triển cơ bản của cách mạng Việt Nam ở miền Nam là khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân”. Ngày 17-11-1959, Xứ ủy Nam bộ tổ chức hội nghị quán triệt nội dung Nghị quyết 15 Trung ương Đảng và đề ra nhiệm vụ khai mở cao trào đấu tranh vũ trang kết hợp với đấu tranh chính trị - sau này gọi là đồng khởi.
Tại Sài Gòn - Gia Định, phong trào đấu tranh của quần chúng trong và ngoại thành đang ở thế đỉnh điểm của sự dồn nén, “tức nước vỡ bờ”. Cuộc nổi dậy và tiến công quân sự của nhân dân và lực lượng vũ trang cách mạng ở Trà Bồng (Quảng Ngãi), Mỏ Cày (Bến Tre), Tua Hai (Tây Ninh) đã kích hoạt cao trào đấu tranh quân sự kết hợp với đấu tranh chính trị ở Sài Gòn - Gia Định, tạo nên sự cộng hưởng chưa từng có.
Đầu năm 1960, nhằm thống nhất hoạt động giữa nội đô và ngoại thành, Khu ủy Sài Gòn - Chợ Lớn và Tỉnh ủy Gia Định hợp nhất thành Khu ủy Sài Gòn - Gia Định do đồng chí Võ Văn Kiệt làm Bí thư. Lực lượng vũ trang tỉnh Gia Định và khu Sài Gòn - Chợ Lớn hợp nhất thành một đơn vị vũ trang tập trung (lấy phiên hiệu C13) hoạt động trên địa bàn Củ Chi, Hóc Môn, Gò Vấp. C13 và các đơn vị vũ trang khác đẩy mạnh hoạt động tác chiến, hỗ trợ nhân dân vùng nông thôn Gia Định nổi dậy giành chính quyền làm chủ xóm ấp trên hầu khắp các huyện Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè, Gò Vấp, Cần Giờ, Thủ Đức.
Tiêu biểu là các trận tập kích đồn Bến Mương, An Hòa, Tân Thạnh Tây, Bình Phước, Dĩ An, Ấp Giồng, trại huấn luyện Quang Trung. Ở Củ Chi, đến cuối năm 1960, 4 xã phía Bắc (Phú Mỹ Hưng, An Nhơn Tây, Nhuận Đức, Trung Lập) hoàn toàn giải phóng, trở thành căn cứ đứng chân của các cơ quan kháng chiến Khu Sài Gòn - Gia Định.
Phong trào nổi dậy ở nông thôn ngoại thành và toàn miền tác động mạnh mẽ vào nội đô Sài Gòn. Đồng bào và các giới chức ở nội thành Sài Gòn đẩy mạnh chiến dịch tiến công bằng dư luận, chĩa mũi nhọn vào chính quyền độc tài gia đình trị Ngô Đình Diệm, bằng nhiều hình thức phong phú, độc đáo. Thanh niên Sài Gòn treo lá cờ đỏ búa liềm ở chợ Bến Thành, công nhân các hãng dầu Shell, Standard, Socony, công ty điện nước, Nha công quản chuyên chở công cộng, lái xe taxi, hãng giày Bata đấu tranh buộc bọn chủ phải trả cho công nhân hàng triệu đồng. Các cuộc đấu tranh của dân nghèo thành thị, trí thức, học sinh, tiểu chủ, tư sản dân tộc, văn nghệ sĩ, ký giả… không thành từng đợt lớn, nhưng đi sâu vào từng khía cạnh của đời sống hàng ngày, có tác dụng vạch trần chế độ Mỹ - Diệm, góp phần đẩy chúng vào thế cô lập.
Tính chung trong năm 1960, nội thành Sài Gòn diễn ra gần 1.500 cuộc đấu tranh với nhiều mức độ khác nhau. Ngày 26-12-1960, 2 chiến sĩ Đỗ Tấn Phong, Lê Tấn Quốc đặt mìn hẹn giờ gây nổ tại Golf club gần ngã ba Chú Ía (Gò Vấp). Đây là trận đánh Mỹ đầu tiên ở nội đô, mở đầu cho hoạt động của lực lượng biệt động Sài Gòn trong kháng chiến chống Mỹ.
Đến đầu năm 1961, các cuộc đấu tranh chính trị và tiến công quân sự ở Sài Gòn - Gia Định đã phát triển thành phong trào rộng khắp và liên tục. Ngày 9-3-1961, tại xã Phú Mỹ Hưng (Củ Chi), Mặt trận Dân tộc Giải phóng Khu Sài Gòn - Gia Định ra đời. Cùng với các địa phương trên toàn miền Nam, cuộc đấu tranh của nhân dân Sài Gòn - Gia Định chuyển từ khởi nghĩa từng phần sang chiến tranh cách mạng.
Tính đến cuối năm 1960, phong trào đồng khởi của nhân dân miền Nam đã căn bản làm tan rã cơ cấu chính quyền cơ sở địch ở nông thôn. Trong 2.627 xã toàn miền Nam, nhân dân đã lập chính quyền tự quản ở 1.383 xã, đồng thời làm tê liệt chính quyền Mỹ - Diệm ở hầu hết các xã khác. Dân số vùng giải phóng toàn miền Nam có khoảng 5,6 triệu người. Kế hoạch lập khu trù mật của địch bị phá sản. Chính sách “cải cách điền địa” của địch bị thất bại nặng. 2/3 số ruộng đất bị Mỹ - Diệm cướp (khoảng 17 vạn hécta) đã trở về tay nhân dân. Phong trào đồng khởi ở nông thôn thúc đẩy mạnh mẽ phong trào đấu tranh chính trị ở đô thị. Trong năm 1960 ở miền Nam có 10 triệu lượt người tham gia đấu tranh chính trị, trong đó tiêu biểu nhất là phong trào đấu tranh nhân ngày 20-7-1960. |