Cho đến thời điểm này, “bộ tam” Nghị quyết của Quốc hội, gồm Nghị quyết 131 về Tổ chức chính quyền đô thị tại TPHCM, Nghị quyết 1111 về Sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã, thành lập TP Thủ Đức thuộc TPHCM và Nghị quyết 98 về Thí điểm về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TPHCM, đã thật sự trao cho thành phố “những bước đệm quan trọng” để kiện toàn hệ thống quản trị, khơi thông nguồn lực, tạo đà cho sự phát triển bền vững theo đúng “đường dẫn” của các nghị quyết dẫn đường (Nghị quyết 24 và 31) của Bộ Chính trị.
Các nghị quyết dành riêng cho TPHCM đã thật sự trao cho thành phố “những bước đệm quan trọng” |
Trong đó, Nghị quyết 131, qua 3 năm triển khai đã mang lại nhiều chuyển biến tích cực như tăng tính tự chủ, năng động và tính minh bạch của các cấp chính quyền; rút ngắn quy trình, giảm bớt thủ tục và thời gian giải quyết công việc cho người dân, doanh nghiệp... Song, quá trình vận hành cũng đã bộc lộ một số vướng mắc, khiếm khuyết rất cần có giải pháp tháo gỡ, khắc phục. Đó là “khoảng trống quyền lực” ở cấp quận, dẫn tới những khó khăn không nhỏ.
Đơn cử, UBND quận, phường thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của đơn vị dự toán ngân sách, không còn chức năng quản lý, sử dụng nguồn kết dư, dự phòng và tăng thu ngân sách, nên ảnh hưởng đến tính chủ động trong công tác điều hành tài chính để kịp thời xử lý các nhu cầu phát sinh cấp bách tại địa phương… Hoặc với quy mô, tính chất dân số, tình hình xã hội trên địa bàn các cấp thành phố, quận, phường hiện nay, rất cần giữ nguyên quy định trưởng công an và chỉ huy trưởng ban chỉ huy quân sự trong cơ cấu tổ chức của UBND quận, phường.
Thực tế không thể phủ nhận đó là năng lực quản trị đối với một đô thị loại đặc biệt có trên 10 triệu dân như TPHCM và những bất cập cả về quy hoạch, thực hiện quy hoạch cũng như trong quản lý đô thị (giữa quy mô đô thị và mô hình quản lý - tức chính quyền đô thị). Kết quả đánh giá về năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) giai đoạn 2016-2022 cho thấy xu hướng suy giảm của thành phố ở nhiều chỉ số thành phần quan trọng; dù nỗ lực cải thiện nhưng vẫn chưa đạt kết quả tốt.
Bản thân mô hình tổ chức bộ máy hành chính bộc lộ nhiều điểm hạn chế. Các chỉ tiêu về sự tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai minh bạch trong hoạch định chính sách; trách nhiệm giải trình với người dân, có kết quả thấp. Điều này dẫn đến những hạn chế trong việc xây dựng và hình thành mối gắn kết, liên hệ cộng đồng, sự quan tâm, tham gia vào đời sống chính trị - xã hội của người dân.
Do đó, thời gian tới, việc triển khai thực hiện chính quyền đô thị cần đặt song song và tận dụng mạnh mẽ lợi thế của nhau giữa Nghị quyết 131 và Nghị quyết 98 để vừa có sự kế thừa những ưu thế vừa tháo gỡ những vướng mắc trong việc thực hiện chính quyền đô thị ở Nghị quyết 131 bằng “bộ công cụ” 98.
Điển hình như ở Nghị quyết 98, thành phố được giao quyền quyết định số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường xã, thị trấn để đảm bảo đáp ứng yêu cầu công việc tại địa phương có quy mô dân số đông. Do đó, việc giao biên chế cán bộ, công chức phường xã, thị trấn cần được điều chỉnh phù hợp với quy mô dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn theo Nghị quyết 98.
Đặc biệt, cần tiếp tục rà soát, đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ trung ương cho chính quyền TPHCM và đẩy mạnh phân cấp, ủy quyền từ chính quyền TPHCM (đối với các nhiệm vụ, quyền hạn của HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TPHCM) cho chính quyền ở quận, huyện và TP Thủ Đức.
Đồng thời đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội về việc xây dựng Luật Đô thị đặc biệt; trong đó, có quy định đô thị đặc biệt cho TPHCM nhằm hoàn thiện tổ chức chính quyền đô thị theo hướng tinh gọn, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả tạo sức bật - phát triển cho thành phố.