Hiện tại toàn bộ TPHCM vẫn đang trong những ngày giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ để ngăn chặn và dập tắt sự lây lan của dịch bệnh. Mặc dù đã được chia ca làm việc nhưng gần như tất cả cán bộ, nhân viên bán hàng, nhân viên bốc xếp, giao hàng của các hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, chợ truyền thống, chợ đầu mối… của thành phố đã vắt kiệt sức mình.
Tất cả các đơn vị đã tăng lượng hàng nhập về gấp 3-4 lần so với ngày thường và mở cửa phục vụ người dân thêm 3 tiếng/ngày so với thời điểm trước khi dịch bùng phát. Chưa kể, họ phải “căng kéo, hỗ trợ nhau” khi có đến khoảng 200 chợ đầu mối và chợ truyền thống phải tạm ngưng hoạt động để phòng dịch, bằng việc mở thêm hàng trăm điểm bán hàng di động, tăng cường kênh bán hàng online.
Dù tất cả đã được trang bị đầy đủ thiết bị phòng dịch như khẩu trang, dung dịch sát khuẩn rửa tay… nhưng hàng ngày tiếp xúc với hàng trăm, hàng ngàn khách hàng, các tiểu thương, người bán hàng, vận chuyển hàng vẫn có nguy cơ mắc bệnh rất cao.
Có người cho rằng, bán hàng trong thời “ai cũng tranh mua, thì lãi to, kêu gì? Trên thực tế, nhiều mặt hàng cũng đã tăng giá dựng đứng rồi”. Việc lời lãi ra sao, sau này mới rõ, bởi để đảm bảo an toàn phòng chống dịch, các đơn vị vận chuyển hàng đã phải tốn thêm rất nhiều thời gian cũng như chi phí cho xét nghiệm, làm giấy đi đường... Các chợ, siêu thị, cửa hàng tiện lợi tốn phí sát khuẩn, tăng cường công tác vệ sinh…
Rồi giá xăng lại vừa tăng. Thế nhưng, trên tất cả, việc phải ra đường, làm việc liên tục, tiếp xúc với rất nhiều người trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, đã là điều không tiền bạc nào “đo đếm” được.
Hiện nay, khâu vận chuyển, phân phối hàng hóa, nhất là nông sản cho TPHCM và các địa phương cũng phải giãn cách theo Chỉ thị 16, còn không ít lúng túng. Ở nhiều nơi, nhiều chỗ hàng hóa thiếu cục bộ, hàng hóa không tươi, ngon, rẻ như lúc bình thường.
Nhiều nơi còn cứng nhắc trong việc cấp giấy thông hành cho xe vận chuyển hàng hóa; tài xế thiếu vì phải cách ly sau mỗi đợt chở hàng vào vùng dịch; nhiều thương lái ngưng đi lấy, giao hàng vì sợ mắc Covid-19…
Trong tình hình này, các bộ ngành, địa phương đã và đang cùng tháo gỡ. Ứng phó với đại dịch “trăm năm có một” không mấy ai “nắm bài” được ngay. Bình tĩnh, chia sẻ và cùng nhau tháo gỡ khó khăn là giải pháp tốt nhất, khả thi nhất thay vì trách móc, phê phán, than thở.
Cũng phải nói thêm, từ lúc đợt dịch thứ 4 bùng phát tới nay, dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng Chính phủ, UBND TPHCM vẫn đang thực hiện được cam kết “đảm bảo nhu cầu thiết yếu cho người dân”.
Bữa ăn trong những ngày dịch bệnh, với nhiều người có thể không nhiều món, không tươi, không đầy đủ gia vị như những ngày trước dịch, nhưng vẫn đủ no lòng. Vì bao người vẫn căng mình làm việc trong bối cảnh dịch diễn biến phức tạp, xin hãy bớt chút “cái tôi” để cùng cộng đồng chia sẻ, thấu hiểu và vượt qua đại dịch.