Trách nhiệm này thuộc về ai? đơn vị nào? Rất khó xác định, bởi các bộ, ngành trong chức trách của mình đều đã có văn bản hướng dẫn cách xử lý. Đơn cử, để giải quyết khó khăn cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM, Bộ Tài chính đề nghị TPHCM báo cáo Chính phủ cho phép bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo hoạt động; còn Bộ KH-ĐT đề nghị thành phố rà soát cơ sở pháp lý, khả năng cân đối ngân sách hoặc các nguồn vốn phù hợp khác để bố trí cho công ty trong giai đoạn chuẩn bị vận hành. Trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo Thủ tướng xem xét, quyết định. Đọc kỹ các hướng dẫn này, có thể ngầm hiểu đó là “cái chỉ tay” cho Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 đi tiếp đến Chính phủ.
Trong khi, ngẫm thêm tí nữa, thì Bộ Tài Chính hay Bộ KH-ĐT chính là cơ quan của Chính phủ, vậy sao 2 bộ không chủ động làm việc trong nội bộ Chính phủ, báo cáo Thủ tướng, giúp doanh nghiệp giải quyết luôn vấn đề. Nhất là khi, theo đại diện Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM, vấn đề họ nêu ra là rất cấp thiết, rất quan trọng khi dự án đầu tư xây dựng tuyến metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) của TPHCM sắp hoàn thành, cần có bộ máy để quản lý và vận hành.
Hay như trong một sự kiện rất quan trọng vừa diễn ra ở TP Cần Thơ, đó là Hội nghị công bố quy hoạch và xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL giai đoạn từ nay đến 2030, Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể đã tuyên bố, nếu bố trí vốn được và làm theo đúng kế hoạch thì cuối nhiệm kỳ này, miền Tây Nam bộ có thể có 400-500km đường bộ cao tốc. Bộ trưởng Bộ GTVT đã rất “khéo” khi đưa ra mệnh đề “nếu bố trí vốn được” trước khi công bố cam kết của ngành mình phụ trách, đơn giản vì phân bố ngân sách chi tiêu, chọn dự án ưu tiên đầu tư có tiếng nói rất lớn từ Bộ Tài chính, Bộ KH-ĐT cùng nhiều cơ quan liên quan.
Tất nhiên, phải phân việc ra mà làm, bởi không một ai, một cơ quan nào có thể “ôm” hết. Thế nhưng, phân công công việc không có nghĩa tách rời nhau ra mà phải là cùng nhau làm, cộng đồng trách nhiệm, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để công trình, dự án được thực thi tốt hơn, hiệu quả hơn.
Trước 2 sự kiện trên cũng đã có nhiều công trình, dự án “có tiền” nhưng không thể thực thi hoặc chậm thực thi, gây lãng phí chung cho toàn xã hội do thiếu sự phối hợp giải quyết vướng mắc kịp thời của các cơ quan, đơn vị liên quan. Nhiều công trình, dự án như vậy vẫn “bị” người dân nhắc tên như dự án Cải tạo môi trường nước lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè (dù nay đã hoàn thành), đường cao tốc Bến Lức - Long Thành…
Xây dựng đường bộ cao tốc cho ĐBSCL hay hoạt động của Công ty TNHH MTV Đường sắt đô thị số 1 TPHCM, dù nằm ở vị trí địa lý nào, cũng là những công trình, hoạt động chung của đất nước; có vai trò, ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển, thịnh vượng chung của quốc gia. Do đó, giải quyết khó khăn, vướng mắc phát sinh cụ thể nói trên là trách nhiệm chung của các bộ, ngành chức năng. Người dân, doanh nghiệp đứng trước khó khăn luôn mong mỏi lãnh đạo các bộ ngành, chính quyền các cấp sớm xắn tay cùng tháo gỡ vướng mắc và mạnh tay xử lý bất kỳ cán bộ nào, cấp nào chỉ tay người dân, doanh nghiệp “đi lòng vòng mà chẳng biết tới bao giờ mới xong việc”.