Dấu mốc quan trọng
Trang web chính thức của Đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) ngày 22-1 đã đăng toàn văn thư chúc mừng của Chủ tịch KPRF, ông Gennady Ziuganov, gửi tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (ĐCSVN).
Mở đầu bức thư, Chủ tịch Gennady Ziuganov thay mặt Ban Chấp hành KPRF gửi lời chào thân ái tới các vị đại biểu, các đảng viên và toàn thể nhân dân Việt Nam nhân Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN - sự kiện chính trị quan trọng trong đời sống của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Trong thư, lãnh đạo KPRF nhấn mạnh, đại hội Đảng luôn là sự kiện trọng đại trong đời sống của Đảng, dấu mốc quan trọng tiếp theo trên con đường cải cách, đồng thời là giai đoạn để tổng kết việc thực hiện các nhiệm vụ đặt ra trước đó và hoạch định các giải pháp mới cho tương lai.
Theo Chủ tịch Gennady Ziuganov, trong những năm tháng gian khổ chiến đấu chống đế quốc xâm lược, ĐCSVN là đội tiên phong của nhân dân Việt Nam, là tấm gương hy sinh quên mình trong cuộc đấu tranh vì tự do và tương lai của chủ nghĩa xã hội. Thực hiện lời dạy của người sáng lập là Chủ tịch Hồ Chí Minh, ĐCSVN tiếp tục giương cao ngọn cờ đấu tranh vì chủ nghĩa xã hội, giữ vững vai trò lãnh đạo và định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện cho toàn thế giới thấy sự công bằng của tư tưởng Lenin và sự ưu việt của hệ tư tưởng xã hội chủ nghĩa.
Chủ tịch Ziuganov khẳng định, KPRF và ĐCSVN có mối quan hệ hữu nghị anh em hàng thập niên và cùng đấu tranh vì mục tiêu chung, vì chủ nghĩa xã hội. KPRF tự hào về tình hữu nghị này và luôn sẵn sàng hợp tác với ĐCSVN. Chúc Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN thành công tốt đẹp và đưa ra những quyết sách quan trọng vì hạnh phúc, thịnh vượng của đất nước và nhân dân.
Theo TTXVN, nhân dịp Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN, ông Pallab Sengupta, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Ấn Độ, đã ca ngợi vai trò của ĐCSVN trong công cuộc đấu tranh giành độc lập dân tộc cũng như quá trình xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước, đồng thời khẳng định ĐCSVN là đại diện thực sự của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Trưởng Ban Quốc tế Đảng Cộng sản Ấn Độ nhắc lại Đại hội lần thứ VI của ĐCSVN năm 1986 đã đưa ra quyết định quan trọng về những cải cách trong lĩnh vực kinh tế và chính trị, đưa đất nước đi theo mô hình “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” nhằm phát triển toàn diện đất nước. Kể từ đó, Việt Nam đã có bước phát triển ngoạn mục trong hơn một thập niên tiếp theo, đạt tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) gần hai con số. Ngày nay, Việt Nam là một trong những thị trường và trung tâm sản xuất quan trọng nhất, mở cửa với toàn bộ thế giới.
Định hướng cho tương lai
Trước thềm Đại hội lần thứ XIII của ĐCSVN, các viện, quỹ nghiên cứu lớn của Đức đã có các báo cáo đánh giá cao thành quả chống dịch Covid-19 và phát triển kinh tế của Việt Nam, đồng thời đề cập một số điểm mà ban lãnh đạo mới của Việt Nam sẽ ưu tiên giải quyết trong 5 năm tới.
Mở đầu bài viết được đăng trên trang của Quỹ Hans Seifen - một trong những quỹ chính trị lớn nhất của Đức, tác giả Magdalena Knödler viết, năm 2020 là một năm đặc biệt khó khăn đối với Việt Nam vì cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam đã đảm nhiệm tốt vai trò kép là Chủ tịch Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Qua đó, Việt Nam có thể tăng cường ảnh hưởng trong khu vực. Việc phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam (EVFTA) và việc nâng cấp quan hệ giữa EU và ASEAN lên quan hệ đối tác chiến lược cũng diễn ra trong năm Việt Nam đảm nhiệm vai trò kép. Bài viết nhận định, hội nhập khu vực và quốc tế đang ngày càng phát triển sẽ tiếp tục quyết định đường lối chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Còn kênh truyền thông DW của Đức cho biết, từ ngày 25-1 đến ngày 2-2, Việt Nam tổ chức đại hội đại biểu toàn quốc để bầu ban lãnh đạo mới của ĐCSVN và hoạch định chính sách trong 5 năm tới, trong đó việc đối phó với đại dịch Covid-19, vấn đề thương mại và biến đổi khí hậu sẽ nằm trong ưu tiên giải quyết của ban lãnh đạo mới. Bài báo đánh giá, ít có quốc gia nào trên thế giới chống đại dịch Covid-19 thành công như Việt Nam.
Với việc thực hiện các biện pháp nghiêm ngặt, Việt Nam đã kiểm soát được số ca lây nhiễm và theo số liệu của trường Đại học Johns Hopkins (Mỹ), tính đến ngày 21-1, Việt Nam mới chỉ ghi nhận 1.544 ca mắc và 35 ca tử vong liên quan Covid-19. Bài báo nêu rõ, nhờ kiểm soát tốt dịch bệnh, nền kinh tế Việt Nam cũng không bị ảnh hưởng nhiều. Theo các số liệu chính thức, Việt Nam đã đạt được mức tăng trưởng hơn 2,9% trong năm 2020, trong khi sự lạc quan và niềm tin người tiêu dùng ở mức cao. Bài báo nhấn mạnh, quốc gia định hướng xuất khẩu như Việt Nam ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với nền kinh tế toàn cầu hóa và chuỗi cung ứng quốc tế, cũng như đối với EU và Đức khi EVFTA đã có hiệu lực.
Ngoài ra, báo chí các nước Nhật Bản, CH Cezch, Ai Cập, New Zealand, Australia… trong những ngày qua cũng đã đăng nhiều bài viết về Việt Nam, trong đó đặc biệt ca ngợi những thành tựu nổi bật của Việt Nam trong những năm gần đây.