Nhật Bản và Hàn Quốc lên tiếng
Theo CNN, Triều Tiên đưa ra lời đe dọa trong vài ngày nữa sẽ tấn công 4 tên lửa đạn đạo tầm trung Hwasong-12 bay ngang lãnh thổ Nhật Bản vào cách đảo Guam từ 30km đến 40km. Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc (JCS) ngày 10-8 cảnh báo, Triều Tiên sẽ phải trả giá đắt nếu tấn công Hàn Quốc hay Mỹ. Trong một tuyên bố, người phát ngôn Ho Jae-cheon của JCS nhấn mạnh, nếu Triều Tiên vẫn có hành động khiêu khích thì Bình Nhưỡng sẽ phải đối mặt với “hành động đáp trả mạnh mẽ và cương quyết của các lực lượng đồng minh”.
Bên cạnh đó, người phát ngôn này cũng chỉ trích một loạt “phát biểu thiếu thận trọng” của Triều Tiên, coi đây là “thách thức nghiêm trọng đối với người dân Hàn Quốc và liên minh Hàn - Mỹ”. Người phát ngôn JCS khẳng định các đồng minh đều lên kế hoạch đối phó cứng rắn ngay lập tức đối với hành động khiêu khích của Triều Tiên. Giới phân tích cho đây là cảnh báo hiếm thấy của quân đội Hàn Quốc đối với các phát biểu mang tính đe dọa của Triều Tiên.
Từ Tokyo, Chính phủ Nhật Bản cũng nhấn mạnh sẽ “không bao giờ dung thứ” cho các hành động khiêu khích của Triều Tiên. Phát biểu với báo giới, Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga khẳng định: “Các hành động của Triều Tiên, trong đó có cả thời gian này, rõ ràng là khiêu khích đối với khu vực, trong đó có Nhật Bản cũng như đối với an ninh của cộng đồng quốc tế”.
6 phương án của Mỹ với Triều Tiên
Theo kênh truyền hình NBC, nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết nước này đã chuẩn bị cho kế hoạch tấn công phủ đầu Triều Tiên trong trường hợp Tổng thống Donald Trump ra lệnh. Nguồn tin trên tiết lộ điểm mấu chốt trong kế hoạch là cuộc tấn công bằng các máy bay chiến lược B-1B Lancer từ căn cứ Andersen trên đảo Guam. Mục tiêu của cuộc không kích có thể sẽ là khoảng 20 bãi phóng tên lửa, thử nghiệm và các mục tiêu kỹ thuật của Triều Tiên.
Theo tờ Daily Mail (Anh), chuyên gia Mark Almond, giám đốc Viện Nghiên cứu khủng hoảng thuộc Đại học Oxford, đưa ra các phương án của Mỹ có thể sử dụng với Triều Tiên.
Phương án 1: Không kích có giới hạn vào các mục tiêu nêu trên từ một loạt các căn cứ không quân ở Hàn Quốc, Nhật Bản và Guam với máy bay ném bom B1 và tên lửa hành trình cùng với đội tàu sân bay hạt nhân. Nhưng lực lượng của Triều Tiên đã nhiều lần thực tập di chuyển và giấu tên lửa. Phương án 2: Xâm lược toàn diện. Quân đội Mỹ đưa quân vào Triều Tiên theo đường bờ biển của Triều Tiên như họ đã làm vào tháng 10-1950. Nhưng lần này, quân đội Triều Tiên sẽ chờ đợi để phản công. Washington đang dàn quân từ Afghanistan đến Syria. Chiến tranh ở Triều Tiên sẽ phải huy động 650.000 quân của Hàn Quốc.
Tuy nhiên, Hàn Quốc miễn cưỡng tham chiến vì các thành phố của họ, nhất là thủ đô Seoul có thể bị tên lửa Triều Tiên tàn phá. Ngoài ra, Trung Quốc cũng có khả năng tham chiến vì sợ Mỹ tấn công vào Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến nguy cơ xung đột rộng lớn hơn và nguy hiểm hơn.
Hơn nữa, một cuộc xâm lược thông thường sẽ không đủ nhanh để ngăn chặn Triều Tiên khởi động phóng tên lửa hạt nhân hay vũ khí hóa học, sinh học. Phương án 3: Mỹ tấn công kho hạt nhân của Triều Tiên. Phương án 4: Mỹ dùng vũ khí hạt nhân chống Triều Tiên (2 phương án này theo ông Almaod, Mỹ sẽ phải hết sức cân nhắc). Phương án 5: Tiếp tục gây sức ép với Trung Quốc. Phương án 6: Tăng thêm sức ép của cộng đồng quốc tế và tăng cường hơn nữa lệnh cấm vận Triều Tiên (phương án 5 và 6 đang được thực hiện).