Cụ thể, người chơi sẽ thực hiện thử thách #7days7books bằng cách mỗi ngày đăng tải trên trang cá nhân hình ảnh một cuốn sách nào đó mà mình yêu thích (không bắt buộc phải đăng liên tục, miễn sao đủ 7 ngày). Đi kèm hình bìa sách là lời “tự thú”: “Tôi chấp nhận thử thách từ (A) và sẽ post bìa 7 cuốn sách mà mình yêu thích trong 7 ngày tới. Không bình luận không giải thích, chỉ post hình bìa sách mà thôi”.
Ngoài việc đăng tải hình bìa sách nào đó, người chơi còn phải mời một người bạn trong danh sách bạn bè của mình, với nội dung: “Mỗi ngày tôi xin được mời một người bạn tham gia thử thách này. Và hôm nay, tôi xin đề cử (B) là người tiếp theo cùng chia sẻ”.
Đây không phải lần đầu tiên cộng đồng mạng thử thách nhau chuyện đọc sách. Vào năm 2014, trào lưu Book bucket challenge vừa mới ra mắt đã nhanh chóng được cư dân mạng hưởng ứng nhiệt tình. Người tham gia thử thách có thể “kể tên 10 cuốn sách gối đầu giường”, hay “tóm tắt nội dung 10 cuốn sách mà bạn yêu thích nhất”, “10 cuốn sách bạn đọc gần đây nhất là gì?”...
Không giống thử thách #7days7books - chỉ post hình bìa sách, không bình luận không giải thích; thử thách của năm 2014 khuyến khích người chơi đưa ra lý do vì sao yêu thích cuốn sách đó. Thử thách đọc sách năm 2015 là hoàn tất việc đọc 50 cuốn sách tương ứng với 50 yêu cầu. Đó có thể là cuốn sách có mối tình tay ba ngang trái, cuốn sách có chữ số trong tựa hay cuốn sách đã được dựng thành phim... Các yêu cầu đưa ra rất phong phú, đa dạng, gồm nhiều thể loại và thời kỳ khác nhau - đôi khi khiến người chơi không khỏi bật cười.
Tiếp đến, vào năm 2016, sau khi lan truyền trên cộng đồng mạng thế giới, phong trào tặng sách cho một người không quen biết, sau đó nhận sách từ một người xa lạ, “đổ bộ” xuống cộng đồng mạng Việt Nam và được các “mọt sách” hưởng ứng ngay lập tức. Sang năm 2017, trào lưu Book bucket challenge trở lại với thử thách: Trong vòng 1 năm, đọc 15 cuốn sách có những chủ đề khác nhau: 1 cuốn sách dày hơn 500 trang, 1 tác phẩm đoạt giải Nobel, 1 cuốn sách dựa trên chuyện có thật, 1 cuốn sách lịch sử, 1 cuốn sách tâm lý học, 1 cuốn được viết bởi tác giả dưới 30 tuổi...
Năm 2018, thử thách đọc sách tiếp tục được cộng đồng mạng chia sẻ và tham gia nhiệt tình. Những người chấp nhận tham gia thử thách sẽ viết hashtag “#thửtháchđọcsách” hoặc “readingchallenge2018” và tag người bạn yêu đọc sách của mình cùng tham gia. Danh mục mà thử thách của năm 2018 đưa ra gồm 14 cuốn, trong đó có những tiêu chí gắn liền với năm 2018 như: 1 cuốn sách được viết trước năm 2018, 1 cuốn sách có con chó ở bìa, 1 cuốn sách 218 trang…
Vốn dĩ, việc đọc sách thường gắn liền với nhu cầu, mục tiêu của mỗi cá nhân và không phải ai cũng giống nhau. Điều này đôi khi nằm ngoài các phong trào. Tuy nhiên, không thể phủ nhận hiệu ứng và sức lan tỏa từ phong trào Book bucket challenge.
Hữu Hôn, một người đang rất nhiệt tình với thử thách #7days7books, cho biết: “Bằng cách tham gia thử thách này, giúp tôi không chỉ biết bạn bè yêu thích những cuốn sách nào, mà còn giúp tôi biết thêm nhiều tựa sách hay từ những người chơi khác. Tính đến nay, Book bucket challenge đã ra đời được 5 năm và vẫn được cộng đồng mạng trên thế giới lẫn trong nước hưởng ứng. Thiết nghĩ, đây sẽ là cách để cổ vũ cho việc đọc sách trên và ngoài Facebook”.