Công văn số 4757 do Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam Ngọ Duy Hiểu ký, cho biết thời gian qua, lợi dụng khó khăn về tài chính của công nhân lao động cả nước, nạn cho vay nặng lãi hoành hành với những chiêu thức ngày càng tinh vi, được quảng cáo công khai, rộng rãi như: dịch vụ hỗ trợ tài chính, cầm đồ, vay nhanh, trả gọn.
Hoạt động “tín dụng đen” biến tướng dưới mọi hình thức (khuyến mãi, hoa hồng, huy động vốn để đầu tư, ủy thác đầu tư trái phiếu… với lãi suất cao). Tổ chức đại diện cho người lao động Việt Nam khẳng định, đó là những hành vi vi phạm pháp luật, ảnh hưởng xấu đến cuộc sống của nhân dân, trong đó có công nhân lao động.
Nghiêm trọng hơn, các đối tượng liên quan đến “tín dụng đen” còn có thủ đoạn bôi nhọ, xâm phạm đời tư, đe dọa cán bộ công đoàn nhằm gây sức ép, đòi nợ công nhân lao động.
Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị các cấp công đoàn thông qua các phương tiện thông tin đại chúng, phương tiện thông tin cơ sở, mạng xã hội… đẩy mạnh tuyên truyền để công nhân lao động biết, cảnh giác và tố giác; không để “tín dụng đen” tiếp cận công nhân lao động.
Tổng LĐLĐ Việt Nam đề nghị trên cơ sở các thỏa thuận hợp tác đã được ký kết giữa tổng liên đoàn với Tập đoàn BRG, Ngân hàng SeABank, Công ty Tài chính TNHH MTV Lotte Việt Nam và các đối tác khác, các cấp công đoàn chủ động kết nối để các ngân hàng, tổ chức tín dụng hợp pháp tiếp cận, cung cấp dịch vụ phù hợp với công nhân lao động, tháo gỡ khó khăn về tài chính cho họ.
Phổ biến rộng rãi tới công nhân lao động về gói vay 20.000 tỷ đồng do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo triển khai phục vụ công nhân lao động. Các cấp công đoàn, đặc biệt là công đoàn cơ sở cần tìm hiểu kỹ về gói vay và kết nối đầu mối cho vay giúp công nhân lao động, để họ không phải tìm đến “tín dụng đen”.
Tổ chức Công đoàn Việt Nam cũng yêu cầu các cấp công đoàn phối hợp với chính quyền, công an địa phương rà soát, lên danh sách các nhóm đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, không để chúng thâm nhập công nhân lao động.