Theo công văn ký ngày 6-9 bởi Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu, đối với công chức, viên chức thì thời gian nghỉ Tết Nguyên đán là khoảng thời gian nghỉ rất quan trọng trong năm của đoàn viên, người lao động cũng như người dân nói chung.
Để vui xuân, đón tết, công tác chuẩn bị mua sắm tết và nhu cầu di chuyển từ địa phương này đến địa phương khác là rất lớn. Nước ta trải dài từ Bắc đến Nam, tỷ lệ người lao động di cư lớn.
Trong 2 năm qua, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, phần lớn đoàn viên, người lao động đón tết trong điều kiện hạn chế đi lại. “Xuất phát từ đề xuất, nguyện vọng của đoàn viên, người lao động mong muốn có thời gian nghỉ trước tết dài hơn để chuẩn bị đón tết, di chuyển về quê, giảm áp lực về giao thông”, công văn phúc đáp.
Do đó, thay vì chọn phương án 1 hoặc 2 mà Bộ LĐTB-XH đưa ra, Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất phương án sắp xếp để lịch nghỉ Tết Âm lịch năm 2023 sẽ bắt đầu từ thứ năm ngày 19-1-2023 đến hết thứ năm ngày 26-1-2023 (tính theo Dương lịch), tức là từ ngày 28 tháng Chạp năm Nhâm Dần đến hết ngày mùng 5 tháng Giêng năm Quý Mão. Tổng thời gian nghỉ là 8 ngày.
Sau đó, người lao động sẽ đi làm vào thứ 6 ngày 27-1-2023 (tức mùng 6 tháng Chạp) và làm bù thêm vào thứ bảy ngày 28-1-2023 (tức mùng 7 tháng Chạp năm Quý Mão).
Trong khi cùng ngày 6-9, Bộ Nội vụ cũng đã có công văn phúc đáp lại đề xuất lịch nghỉ Tết Nguyên đán do Bộ LĐTB-XH xây dựng với đề xuất là “lựa chọn phương án 1”.
Phía Bộ LĐTB-XH đã nêu ra 2 phương án cụ thể như sau:
Phương án 1, công chức, viên chức sẽ nghỉ tết 7 ngày, bao gồm 5 ngày nghỉ Tết Nguyên đán và 2 ngày nghỉ bù theo quy định của Bộ luật Lao động.
Phương án 2, công chức, viên chức sẽ nghỉ 9 ngày, gồm có 5 ngày nghỉ tết, 2 ngày nghỉ bù theo quy định Bộ luật Lao động và 2 ngày nghỉ cuối tuần.