Các cấp công đoàn TPHCM đã thực hiện nhiều chương trình chăm lo cho người lao động, trong đó có không ít chương trình lan tỏa đến các tỉnh, thành trong cả nước.
Chỉ tính riêng đợt kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Công đoàn Việt Nam, đã có nhiều hoạt động, công trình ý nghĩa, sáng tạo, thiết thực mang lại lợi ích cho đoàn viên, người lao động. Theo đánh giá của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hoạt động công đoàn TPHCM đang là lá cờ đầu của cả nước.
Đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM, trong lần đến thăm và tặng quà sau phẫu thuật cho công nhân được hỗ trợ mổ tim
Điều kỳ diệu đến lúc ngặt nghèo
Sau 5 năm được chương trình “Trái tim nghĩa tình” của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM hỗ trợ mổ tim, bé Nguyễn Ngọc Phương An (6 tuổi) khỏe mạnh, lanh lợi và được đến trường cùng bạn bè. Nhìn con gái chơi đùa cùng các bạn trong xóm trọ, chị Lê Thị Kim Thiên, mẹ bé An (từng làm công nhân may tại quận 12) vui mừng khôn xiết. “Ngày đó tôi cứ tưởng mất con bé rồi. Thật may mắn khi được tổ chức công đoàn biết đến và tiếp sức. Đó là cái ơn mà cả đời này tôi mang nặng”, chị Thiên bộc bạch.
Khi An được hơn 1 tháng tuổi, thấy con hay bị tím tái mỗi khi khóc, đưa con đi khám, chị Thiên chết lặng khi nghe bác sĩ bảo, An bị tứ chứng Falot, Mapcas, 2 nhánh động mạnh phổi nhỏ. Đây là trường hợp bệnh phức tạp, phải được phẫu thuật nhiều lần. Thương con còn quá nhỏ phải chịu bệnh hiểm nghèo, nhưng với đồng lương ít ỏi làm công nhân của 2 vợ chồng, số tiền hơn 50 triệu đồng để thực hiện ca mổ là quá sức. Biết đến hoàn cảnh của chị Thiên, chương trình “Trái tim nghĩa tình” đã hỗ trợ toàn bộ chi phí ca mổ lần 1, đồng thời giúp chi phí trong những ca mổ tiếp theo của An. Nhờ sự tiếp sức kịp thời ấy, tiếng cười trong trẻo của An đã tiếp tục vang lên trong căn phòng trọ nhỏ xíu của xóm công nhân.
Nhắc đến chương trình “Trái tim nghĩa tình”, chị Võ Thị Tuyết Khoa (công nhân may tại Khu chế xuất Linh Trung 1) xúc động: “Đó là điều kỳ diệu nhất đến với tôi trong lúc bệnh tật ngặt nghèo. Nếu không được hỗ trợ chi phí để kịp thời phẫu thuật, có lẽ tôi không còn cơ hội được làm việc, được cống hiến và nhìn thấy những người thân yêu”. Năm 2013, khi bác sĩ bảo bệnh tim của chị Khoa phải mổ gấp, chị đã buông xuôi vì không có đủ chi phí nằm viện. Lúc ấy, sự dang tay của tổ chức công đoàn TPHCM đã giúp chị có một tương lai mới.
Chương trình “Trái tim nghĩa tình” đã giúp 48 công nhân và con công nhân tại TPHCM mổ tim với chi phí hơn 3,1 tỷ đồng.
Lo cái khó của công nhân
Đón khách trong căn nhà mới sạch sẽ, tươm tất, chị Nguyễn Thị Mỹ, hộ lý Trung tâm Phục hồi chức năng và trợ giúp trẻ tàn tật (quận 3), cười hạnh phúc: “Nhờ số tiền 40 triệu đồng được hỗ trợ từ LĐLĐ quận 3, nhà tôi đã được nâng nền, lát gạch, thay tôn và sơn sửa lại. Giờ thì có thể ngủ ngon, không còn sợ nước mưa tràn vào nhà nữa”. Chồng chị Mỹ làm nghề thu mua ve chai, đồng nát, công việc không ổn định, thu nhập rất bấp bênh. Để có thêm thu nhập, ngoài giờ làm việc, chị Mỹ đi giúp việc nhà cho hàng xóm. Căn nhà cũ nát do ba mẹ chồng để lại trong con hẻm ngoằn nghèo trên đường Đoàn Văn Bơ (quận 4) có hơn 15 người trú ngụ. Các thành viên đều sống bằng nghề thu mua ve chai, bán hàng rong. Căn nhà đã xuống cấp, dột nát, xập xệ nhiều năm nhưng không ai có tiền để sửa chữa. Ngày nghe tin được hỗ trợ chi phí sửa nhà từ chương trình “Mái ấm công đoàn”, chị Mỹ mừng rơi nước mắt.
Niềm vui có nhà mới của gia đình chị Mỹ cũng là hạnh phúc của rất nhiều công nhân gặp khó khăn về nhà ở. Theo ông Hồ Xuân Lâm, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, hơn 10 năm qua, chương trình “Mái ấm công đoàn” đã lan tỏa mạnh mẽ. Chỉ tính từ năm 2013 đến nay, các cấp công đoàn TPHCM đã hỗ trợ sửa chữa, xây mới gần 500 mái ấm công đoàn với tổng số tiền hơn 20 tỷ đồng.
Nhắc đến các hoạt động chăm lo của tổ chức công đoàn TPHCM, không thể không nói đến chương trình có ý nghĩa nhân văn sâu sắc: “Tấm vé nghĩa tình”, “Tết sum vầy”. Qua 10 năm thực hiện, chương trình “Tấm vé nghĩa tình” đã nhận được sự ủng hộ 70% kinh phí của 11.000 lượt doanh nghiệp, hỗ trợ 269.000 vé xe cho công nhân đoàn tụ với người thân, đón một cái tết ấm áp tại quê nhà. Rất nhiều công nhân 5-7 năm chưa được về thăm quê, nhờ chương trình đã đoàn tụ cùng người thân trong bữa cơm sum vầy ngày cuối năm.
Ngoài ra, chương trình “Tết sum vầy” đã giúp hàng ngàn gia đình công nhân có hoàn cảnh khó khăn ấm lòng khi được cùng nhau ăn bữa cơm ngày cuối năm nơi đất khách. Đây cũng là hoạt động mang đậm dấu ấn của công đoàn TPHCM và có sự lan tỏa mạnh mẽ. Đến nay, nhiều doanh nghiệp đã chủ động tổ chức các chuyến xe chở công nhân về quê đón tết hoặc hỗ trợ 100% chi phí tàu xe cho người lao động.
Ngoài ra, còn nhiều hoạt động chăm lo con công nhân rất đặc trưng của tổ chức công đoàn TPHCM như: trao học bổng Nguyễn Đức Cảnh, tổ chức trại hè Thanh Đa...
“Ngoài chăm lo vật chất, các cấp công đoàn TPHCM còn rất quan tâm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người lao động. Tất cả các hoạt động đang được đẩy mạnh hướng về cơ sở để đảm bảo mọi công nhân đều có cơ hội được thụ hưởng”, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM Trần Thị Diệu Thúy phát biểu.