Đảm bảo nhu cầu cơ bản của công nhân
Là doanh nghiệp đầu tiên của TPHCM thực hiện cách ly người lao động tại đơn vị, lại vừa đảm bảo duy trì sản xuất, thế nhưng tập thể Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina (Khu công nghiệp Tân Bình, TPHCM) đã đồng lòng vượt qua 15 ngày giãn cách.
Ông Phan Thanh Phổ, Chủ tịch Công đoàn Công ty CP Thiết bị nhà bếp Vina, chia sẻ: Có rất nhiều việc phát sinh cần phải giải quyết nhanh chóng, nhưng nhờ sự ủng hộ của ban lãnh đạo công ty cũng như sự cảm thông, chung sức của người lao động, chúng tôi đã thành công với mục tiêu của mình.
Ông Phổ cho biết, ngày đầu tiên khi nhận được thông tin ca mắc Covid-19 và công văn thực hiện cách ly tại chỗ, người lao động công ty rất lo lắng. Ban chấp hành công đoàn công ty đã họp ngay với lãnh đạo đơn vị đề ra các phương án chăm lo cụ thể. Để trấn an công nhân lao động, công ty có ngay thông báo về các phương án cho những ngày sắp tới, khi toàn thể người lao động ở lại công ty.
“Bộ phận này lo đặt nhu yếu phẩm, bộ phận kia đặt mua mền, mùng, gối. Đội cơ khí được huy động để thực hiện nhà vệ sinh lưu động, nơi phơi quần áo, cử thêm người tăng cường cho nhà bếp… Tất cả được triển khai khẩn trương để kịp lo bữa ăn, nơi ngủ, sinh hoạt cho tất cả anh em. Trên tinh thần làm sao để mọi người thấy nhu cầu cơ bản được đáp ứng như đang ở nhà”, ông Phổ nhớ lại.
Vậy là 80 nhà vệ sinh, 70 vòi nước được lắp đặt, một số khu vực được chọn để đảm bảo nhu cầu tắm giặt, phơi quần áo. Công ty cũng đặt mua hơn 800 chiếc chiếu, nhà xưởng được dọn dẹp, lắp thêm quạt, xịt muỗi, tăng dung dịch sát khuẩn, bố trí các khu vực. Hiểu trăn trở của công nhân khi phải xa con nhỏ hơn chục ngày, công đoàn đề xuất công ty chi hỗ trợ ngay cho 156 nữ công nhân đang có con nhỏ dưới 6 tuổi, mỗi người 1 triệu đồng, để công nhân an tâm về chi phí gửi con nhỏ trong thời gian cách ly. Về chế độ ăn, công ty cũng quyết định sẽ phục vụ 3 bữa ăn chính và 2 bữa phụ, tăng cường thêm vitamin C, trái cây để công nhân đảm bảo sức khỏe.
Nhờ sự chăm lo chu toàn, người lao động công ty đi từ bất an sang ổn định dần tâm lý, tiếp tục duy trì sản xuất. Để đảm bảo an toàn lao động, công ty thành lập tổ phòng chống dịch với hơn 40 thành viên thay phiên nhau vừa thực hiện công tác chăm lo, tìm hiểu tâm tư người lao động, vừa giám sát an toàn sản xuất.
“Công ty duy trì hoạt động 70%, không tăng ca để đảm bảo sức khỏe cho anh em. Thời gian rảnh, tổ chức công đoàn bố trí để anh em giải trí, xem phim, nghe nhạc”, ông Phổ chia sẻ. Để cân đối chăm lo hài hòa, ổn định gần 800 con người tại đơn vị, theo ông Phổ, công đoàn cơ sở và ban lãnh đạo công ty đã phải tổ chức nhiều cuộc họp để triển khai và giải quyết các vấn đề phát sinh; tính toán sao cho hài hòa từng bữa ăn, giấc ngủ, vệ sinh, sinh hoạt đến đảm bảo an toàn sản xuất cho công nhân.
Kết nối mạnh thường quân để thêm nguồn hỗ trợ
Khi dịch Covid-19 ở TPHCM diễn biến phức tạp, quận Gò Vấp trở thành một trong những tâm dịch với rất nhiều người lao động nằm trong vùng phong tỏa. Nghĩ đến công nhân lao động cuộc sống vốn eo hẹp, nay phải cách ly, không có việc làm sẽ vô cùng chật vật.
Ban thường vụ Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) quận Gò Vấp đã đưa ra nhiều phương án chăm lo kịp thời. LĐLĐ quận quyết định trích phần kinh phí từ nguồn quỹ chăm lo công nhân, viên chức, người lao động, mua hàng trăm phần quà gồm gạo, mì, đường, dầu ăn, nước mắm… hỗ trợ khẩn cấp cho công nhân, người lao động tại khu cách ly, tổ công nhân tự quản khu vực bị phong tỏa, nơi bị tạm ngừng việc.
Không dừng lại ở đó, LĐLĐ quận còn kết nối các mạnh thường quân để có thêm nguồn tài trợ chăm lo lao động khó khăn bởi dịch Covid-19. Nhiều “chuyến xe nghĩa tình” đã tặng hơn 700 phần quà gồm nhu yếu phẩm, trái cây cho người lao động tại các khu vực cách ly trên địa bàn 14 phường.
Trong suốt thời gian quận Gò Vấp giãn cách, tất cả hoạt động nhận tài trợ, tổ chức chuyến xe trao quà đến tận tay người khó khăn, chăm lo lực lượng tuyến đầu chống dịch được LĐLĐ quận Gò Vấp thực hiện với rất ít nhân lực.
“Giữa lúc bộn bề công việc, tôi và đồng chí Phó Chủ tịch LĐLĐ quận phải cách ly tại nhà do nơi ở bị phong tỏa. Suốt thời gian ấy, tôi cố gắng điều hành công việc từ xa qua điện thoại, email. Chỉ buồn là bản thân không thể trực tiếp đến động viên người lao động khó khăn. Nhưng tôi cố gắng thông qua các mối quan hệ để vận động nguồn kinh phí hỗ trợ. Anh em bên ngoài cũng cố gắng hết sức để hoàn thành các hoạt động chăm lo một cách nhanh và hiệu quả nhất”, bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch LĐLĐ quận Gò Vấp, chia sẻ.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến cho biết, công nhân lao động gặp khó do dịch Covid-19 còn rất nhiều và họ cần tổ chức công đoàn sát cánh để vượt qua. Do đó, bên cạnh việc tiếp tục các chương trình thăm, tặng quà, LĐLĐ quận cũng nắm danh sách người thuộc trường hợp được hỗ trợ trong các gói để trình LĐLĐ TPHCM có hướng chi hỗ trợ nhanh nhất. |