Chiều 22-9, tại Hà Nội, Tổng Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) Việt Nam tổ chức họp báo thông tin về Đại hội Thi đua yêu nước trong công nhân viên chức và người lao động toàn quốc lần thứ X (sẽ diễn ra vào ngày 28-9 sắp tới), đồng thời tổ chức hội nghị giao ban báo chí quý 3-2020.
Tại hội nghị này, vấn đề nổi cộm mà nhiều nhà báo đặt ra là Tổng LĐLĐ Việt Nam vừa bị Kiểm toán Nhà nước kết luận có những bất cập trong quản lý tài chính công đoàn, cơ quan kiểm toán đã kiến nghị chấm dứt việc lấy tiền quỹ công đoàn cho ngân hàng vay lấy lãi; rồi sử dụng quỹ để góp vốn, đầu tư ngoài ngành…, nhất là tổ chức này có khoản kinh phí tích lũy lên tới 29.000 tỷ đồng.
Về việc Kiểm toán Nhà nước yêu cầu Tổng Liên đoàn dừng gửi các khoản tích lũy của công đoàn vào ngân hàng để lấy lãi và dừng đầu tư ngoài ngành vì việc đầu tư đã thất thoát, lãng phí nguồn lực cho tài chính công đoàn, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Ban Tài chính của Tổng LĐLĐ Việt Nam giải thích, việc gửi khoản tích lũy vào các ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước thì mục đích là để “nâng cao, tạo nguồn lực đủ mạnh cho tổ chức công đoàn hoạt động”.
Đại diện Tổng LĐLĐ Việt Nam nói rằng, con số 29.000 tỷ đồng tích lũy theo kiểm toán, không phải là của một năm mà của toàn bộ quá trình từ khi thành lập quỹ công đoàn tới bây giờ.
Trong đó, về khoản tài chính tích lũy 7.600 tỷ đồng ở cấp công đoàn cơ sở là con số theo báo cáo của kiểm toán từ ngày 31-12-2019. Còn trên thực tế, “số tiền này đã chi cho người lao động vào dịp các Tết Nguyên đán, nên thông thường sau dịp tết thì số tiền này đã chi tiêu hết”.
Còn với khoản tích lũy của các cấp công đoàn trên cơ sở thì công đoàn vẫn chỉ đạo phải chi tiết kiệm, số năm nay không chi hết thì để sang năm, tiếp tục chi vào đầu năm (thời điểm chưa thu được phí công đoàn của năm mới).
Theo Phó trưởng Ban Tài chính của Tổng Liên đoàn, hiện số tích lũy công đoàn còn lại đang được gửi ở 4 ngân hàng thương mại cổ phần nhà nước là Vietcombank, Viettinbank, Agribank và BIDV để lấy lãi “nhằm nâng cao năng lực tài chính cho tổ chức công đoàn”.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã có công văn số 16838 chấp thuận khoản lãi tiền gửi ngân hàng từ quỹ công đoàn không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp và khoản lãi này lại được bổ sung vào quỹ để tiếp tục thực hiện chức năng chăm lo bảo vệ đoàn viên, người lao động.
Trả lời vấn đề thu chi tài chính công đoàn thế nào, có phân bổ tới được người lao động, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, Phó trưởng Ban Tài chính, Tổng LĐLĐ Việt Nam giải thích, từ năm 2013 đến nay, sau khi có Luật Công đoàn, số chi tại các cấp công đoàn là gần 77.000 tỷ đồng. Trong đó chi nhiều nhất là tại công đoàn cơ sở (trên 56.300 tỷ đồng, chiếm 73%); số chi tại cấp quận huyện và đơn vị sự nghiệp là gần 11.700 tỷ đồng (chiếm 15,2%); số chi tại cấp tỉnh là gần 8.400 tỷ đồng (chiếm 10,9%). Còn số chi tại cấp Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chỉ có 576 tỷ đồng, chiếm 0,7%.
Theo bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, sau khi có Luật Công đoàn thì Công đoàn Việt Nam đã điều chỉnh, giảm tỷ trọng chi quỹ tại cấp trên cơ sở để tập trung cho cấp dưới, đặc biệt là công đoàn cơ sở. Tại cấp công đoàn cơ sở, tỷ trọng chi để bảo vệ chăm lo quyền lợi cho người lao động chiếm tới 81,5%; còn lại là chi lương, phụ cấp, quản lý hành chính.
Mặt khác, tại công đoàn cấp trên cơ sở vẫn thực hiện chi gián tiếp cho người lao động thông qua các hoạt động bồi dưỡng, đào tạo người lao động ưu tú, tổ chức các hoạt động văn hóa thể thao du lịch, động viên khen thưởng người lao động và con người lao động có thành tích xuất sắc trong học tập và công tác… và mức chi bình quân trong năm 2019 cho một đoàn viên là 1,2 triệu đồng/năm, còn người lao động là 1.017.000 đồng/năm.
“Như vậy, nguồn tài chính công đoàn chủ yếu là được sử dụng cho cấp công đoàn cơ sở để chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, người lao động”- Phó trưởng Ban Tài chính của Tổng Liên đoàn giải thích.
Về kiến nghị chấm dứt đem tiền góp vốn đầu tư, ông Trần Thanh Hải, Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định, “không có việc Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đầu tư ngoài ngành”, mà do công đoàn cơ sở không đủ khả năng tài chính nên công đoàn cấp trên tham gia mua cổ phần đầu tư ưu đãi khi triển khai chủ trương cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước để có lợi tức chăm lo cho người lao động. Phó Chủ tịch Thường trực Tổng LĐLĐ Việt Nam Trần Thanh Hải khẳng định Công đoàn Việt Nam không đầu tư ngoài ngành |