Ngày 19-6, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM tổ chức hội nghị lắng nghe ý kiến các doanh nghiệp nhằm tìm giải pháp đổi mới nội dung và phương thức hoạt động để xây dựng tổ chức công đoàn cơ sở vững mạnh, đồng hành cùng doanh nghiệp phát triển sản xuất - kinh doanh. Tham dự có đồng chí Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM.
Hiện nay, TPHCM có gần 17.000 công đoàn cơ sở trong doanh nghiệp ngoài nhà nước với hơn 1 triệu đoàn viên, trong đó có 273 công đoàn tại các doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên. Và hơn 65% lao động là người ngoài tỉnh.
Theo đồng chí Kiều Ngọc Vũ, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, công đoàn cơ sở có vị trí, vai trò rất quan trọng đối với doanh nghiệp và người lao động. Khi vai trò của công đoàn tại các doanh nghiệp được phát huy hiệu quả sẽ thúc đẩy phong trào sản xuất kinh doanh và mang lại những lợi ích thiết thực cho cả doanh nghiệp và người lao động.
Thời gian qua, công đoàn cơ sở đã tổ chức tuyên truyền, phổ biến đến người lao động các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước có liên quan đến Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, thỏa ước lao động tập thể. Bên cạnh đó, đã cùng doanh nghiệp phát động nhiều phong trào thiết thực, qua đó đã góp phần giúp đoàn viên công đoàn, người lao động hiểu được nhiệm vụ, trách nhiệm của mình đối với doanh nghiệp.
Đồng chí Võ Thị Dung cho rằng, để đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở cần có bản lĩnh, uy tín, năng lực, kỹ năng cùng các kiến thức pháp luật. Hoạt động công đoàn phải khắc phục tính hình thức, các hoạt động phải đi vào thực chất, gần hơn với người lao động. Ngoài ra, tổ chức công đoàn phải thể hiện vai trò là cầu nối quan trọng, sợi dây gắn kết giữa người lao động với người sử dụng lao động, giúp tạo mối quan hệ hài hòa, ổn định trong doanh nghiệp. Công đoàn cơ sở cần đề ra các giải pháp đổi mới nội dung, phương thức hoạt động một cách thiết thực, đáp ứng được yêu cầu, nguyện vọng của người lao động; đáp ứng mong muốn của Đảng, nhà nước đối với tổ chức công đoàn là gắn bó được với doanh nghiệp.