Vở nhạc kịch sử Việt do NSND Hồng Vân và NSƯT Kim Tử Long hợp tác thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long, NS Hoàng Sơn, Trinh Trinh, Bình Tinh, Minh Luân, Thanh Duy, Xuân Nghị, Hiếu Hiền, Gia Bảo, Hoàng Khôi, Hiếu Nguyễn, Tiêu Minh Phụng, Kha Uy, Khôi Nguyên, Hoàng Yến…
Từ trước Tết Nguyên đán 2024, khi vở nhạc kịch sử Việt tung poster quảng bá, đã tạo nên sức cuốn hút với khán giả sân khấu vì ấn tượng với hình ảnh các nghệ sĩ, diễn viên trong phục trang đẹp, thể hiện được bản sắc văn hóa Việt, đậm chất điện ảnh. Phần trang phục được Hoa niên – Tháng năm tươi đẹp chịu trách nhiệm thiết kế, thực hiện.
Đặc biệt, vở nhạc kịch được chú trọng đầu tư thực hiện mang ý nghĩa trao truyền, giao thoa giữa hai thế hệ nghệ sĩ, khi NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Tử Long và NS Hoàng Sơn nhận trách nhiệm cố vấn, còn công tác tổ chức, dàn dựng trao lại cho lớp trẻ gồm Hoàng Hải (con nghệ sĩ Hoàng Sơn), Khôi Nguyên (con NSND Hồng Vân) và Maika (con NSƯT Kim Tử Long) cùng phối hợp thực hiện.
Vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long gửi đến khán giả câu chuyện về người anh hùng áo vải cờ đào Quang Trung – Nguyễn Huệ và chuyện tình đầy chất thơ với nàng công chúa tài hoa Lê Ngọc Hân, giữa những mưu toan đen tối, những rối ren thời cuộc và những trận chiến tranh đoạt quyền binh, thay đổi triều đại.
Trong vai Nguyễn Huệ - người anh hùng của dân tộc, NSƯT Kim Tử Long thể hiện được khí phách, sự oai phong, tính nghiêm minh, tinh thần yêu nước, thương dân, luôn nhìn xa trông rộng, khéo dụng người tài, chú trọng chiêu hiền đãi sĩ… Nam nghệ sĩ tạo cũng nên dấu ấn đẹp với khán giả khi thể hiện hoàn hảo vai diễn nhân vật chính phải trải qua nhiều cung bậc tâm lý, tình cảm, cảm xúc… dành cho người yêu thương, cho cuộc đời và đối với thời cuộc binh đao.
NSND Hồng Vân trong vai Chiêu Nghi Nguyễn Thị Huyền, mẹ công chúa Ngọc Hân, tuy thời lượng xuất hiện trong vở khá ít, nhưng chị vẫn tạo được sức cuốn hút rất riêng, nhất là ở màn diễn độc thoại, đối thoại cùng con gái Ngọc Hân, khuyên dạy con phải biết lấy chữ hiếu trung với dòng tộc và đất nước làm trọng. Tình gia đình, nghĩa mẹ con, nợ nước non… phải sống sao cho tròn vẹn mới xứng với danh vị công chúa nhà Lê.
Cách dàn dựng và thể hiện vở nhạc kịch mang phong cách tươi mới, hiện đại, tiết tấu nhanh, sử dụng hiệu quả kỹ thuật màn hình led hỗ trợ cho công tác dựng và chuyển cảnh. Các màn múa, đấu kiếm, thương, đao, các mảng miếng hài hước... cũng góp sức tạo thêm những sắc màu giải trí hấp dẫn cho vở nhạc kịch.
Vở nhạc kịch Tình sử Thăng Long sẽ tiếp tục sáng đèn thêm một suất tối 16-2 tại Nhà hát Bến Thành, quận 1.