Công diễn vở kịch lịch sử Lệ Chi Viên

Sau hơn một tháng tập luyện liên tục, vất vả, ê-kíp thực hiện vở kịch lịch sử Lệ Chi Viên (Bí mật Vườn Lệ Chi, tác giả: Hoàng Hữu Đản, biên tập và đạo diễn: Mai Khắc Thảo, giám đốc sản xuất: Huỳnh Anh Tuấn) đã hoàn thành tác phẩm sân khấu này.

Vở sẽ được công diễn 3 suất vào lúc 16 giờ trong các ngày 1-5, 4-5 và 11-5, tại Nhà hát Thanh Niên - Nhà Văn hóa Thanh niên TPHCM. Vở có sự tham gia biểu diễn của NSND Mỹ Duyên, nghệ sĩ Đại Nghĩa, Đình Toàn, Hồng Ánh, Quang Thảo, Thanh Thủy, Hoàng Trinh, Minh Dũng, Phi Nga, Tâm Anh...

CN4 xem nghe doc.jpg
Một cảnh trong vở Lệ Chi Viên

Lệ Chi Viên kể về bi kịch của danh nhân Nguyễn Trãi, một vị đại thần, nhà chính trị, nhà văn, nhà văn hóa, nhà tư tưởng lớn của dân tộc Việt Nam, người đã dốc lòng phò tá Lê Lợi - vua Lê Thái Tổ giành lại độc lập cho Đại Việt. Lê Thái Tông (nghệ sĩ Đình Toàn thủ vai), vị hoàng đế thứ hai của nhà Lê, dù mới lên ngôi chưa bao lâu nhưng đã đánh dấu một thời kỳ thịnh trị trong lịch sử Việt Nam. Vị vua trẻ cùng các đại thần ổn định xã hội, nghiêm trị tham ô, hoàn thiện hệ thống nghi thức, lễ nhạc của triều đình, tăng cường chỉnh đốn quân đội, chấn hưng giáo dục và đặt lệ 3 năm mở một khoa thi lớn trên toàn quốc để tìm nho sĩ có tài giúp vua cai quản dân sự.

Tuy nhiên, ở nội cung, sự đấu đá giành ngôi thái tử của thần phi Nguyễn Thị Anh (nghệ sĩ Thanh Thủy đóng) khiến triều đình liên tục xảy ra những sóng gió. Nguyễn Thị Anh cấu kết với gian thần, đổ oan việc ra tay hãm hại thái tử cho Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Giao (nghệ sĩ Hồng Ánh đóng)... Đỉnh điểm của câu chuyện kịch lịch sử chính là việc gian thần trong triều đình cấu kết nhau bức tử nhà vua trẻ Lê Thái Tông. Vị vua trẻ băng hà tại Lệ Chi Viên, bao nhiêu tội trạng đều bị gian thần đổ hết cho công thần Nguyễn Trãi (Quang Thảo) và vợ là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ (Hoàng Trinh), khiến nhà họ Nguyễn phải chịu án tru di tam tộc.

Trên sân khấu, trong câu chuyện kể, những màn đấu trí căng thẳng giữa các phe phái trong triều đình, những âm mưu đen tối được che giấu và bị phanh phui trước ánh sáng công lý, cùng với nỗi đau của Nguyễn Trãi bị vu oan, giết cả ba đời, khiến câu chuyện kịch chất chứa những xung đột, thấm đẫm những tự sự... Sau này, khi vua Lê Thánh Tông điều tra ngọn ngành, rõ ràng chân tướng án oan, đã xuống chiếu đại xá Nguyễn Trãi, bãi bỏ lệnh truy sát triều đình với gia quyến và bổ dụng con cháu của ông làm quan. Đặc biệt, di cảo thơ văn của Nguyễn Trãi được chú trọng sưu tầm và lưu truyền đến hôm nay.

Vở kịch được dàn dựng công phu, hoành tráng, cảnh trí và phục trang đẹp, âm thanh và âm nhạc hay, cách xử lý ánh sáng lung linh... Tất cả cùng tạo nên hiệu ứng tốt cho kịch bản sân khấu lịch sử, giúp tả thực một giai đoạn hoàng triều nhà Lê với nhiều biến động ở bên trong và bên ngoài hoàng cung.

Tin cùng chuyên mục