Đây là dự án cải lương thể nghiệm độc diễn, được cải biên từ kiệt tác Truyện Kiều của Đại thi hào Nguyễn Du. Vở diễn được đầu tư thực hiện nhằm lan tỏa những giá trị văn hóa truyền thống Việt Nam, đặc biệt là loại hình nghệ thuật cải lương đến khán giả đương đại, khuyến khích thử nghiệm và sáng tạo.
Tại buổi công diễn, đông đảo khán giả đã được thưởng thức một vở diễn được dàn dựng mới lạ: đó là câu chuyện kể về Kiều nhưng trên sân khấu không có Kiều, chỉ có 4 nhân vật nữ trong Truyện Kiều gồm: Thúy Vân, Hoạn Thư, Giác Duyên và Đạm Tiên lần lượt xuất hiện trong từng cảnh diễn để bày tỏ những tâm tình, nỗi niềm, cảm xúc và góc nhìn rất đặc biệt về Kiều, mối tương quan với Kiều và thương khóc cho thân phận của Kiều giữa dòng xoáy cuộc đời.
Cả 4 nhân vật nữ trong câu chuyện kể sân khấu đều ở một tâm thế đợi Kiều trao cho cái quyền được quyết định những sự việc liên quan đến cuộc đời, cảm xúc sống và yêu của họ. Nhưng vượt qua những chờ đợi đó, Kiều luôn là người quyết định tất cả mọi việc khiến cho chính cuộc đời Kiều có thêm những ngã rẽ khác, ví như việc quyết bán mình chuộc cha, quyết định trao duyên cho em gái Thúy Vân…
Vở diễn được TS Đào Lê Na (Trưởng bộ môn Sáng tác và Phê bình Sân khấu – Điện ảnh, khoa Văn học, trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM) tâm huyết thực hiện cùng YUME - Art Project, với mong muốn đem lại cho khán giả những cung bậc cảm xúc tươi mới mà gần gũi từ một tác phẩm văn học quen thuộc trên sân khấu cải lương, được thực hiện cải biên, mang tính thể nghiệm với nhiều sự sáng tạo.
Trong đó, TS Đào Lê Na đã thực hiện sự thể nghiệm trong phá cách cấu trúc dàn dựng vở, sự phối hợp trình diễn của hai ban nhạc âm nhạc hàn lâm hiện đại và nhạc cụ dân tộc, đan xen giữa 4 cảnh diễn của diễn viên là 4 cảnh ca ngâm và múa bóng hòa cùng âm nhạc…
Trong vở diễn, đảm nhận vai diễn 4 nhân vật nữ trong câu chuyện kể về thân phận Kiều và các mối quan hệ nhân sinh là diễn viên Hồng Bảo Ngọc (quán quân giải Bông Lúa Vàng VOH năm 2019, lúc 17 tuổi).
Dưới ánh đèn sân khấu, Hồng Bảo Ngọc đã có nhiều nỗ lực để hoàn thành vai diễn một mình với đủ các cung bậc cảm xúc tình yêu, sự cảm thương, oán hờn, ghen ghét, day dứt, tủi phận, trông chờ, mong mỏi và hy vọng. Tuy nhiên, với nhiều khán giả mộ điệu cải lương, vai diễn này quá nặng ký so với kinh nghiệm nghề, kỹ thuật và khả năng ca diễn, cách xử lý tình huống sân khấu… của diễn viên trẻ.
Để có một tác phẩm Đợi Kiều tươi mới trên sàn diễn, TS Đào Lê Na đã đọc rất nhiều bài nghiên cứu về Truyện Kiều và thấy được những góc nhìn thú vị, được thể hiện dưới nhiều loại hình khác nhau.
Từ vở cải lương đầu tiên năm 1918 đến bộ phim truyện đầu tiên của điện ảnh Việt năm 1924, gần đây hơn có tác phẩm Thả một bè lau của thầy Thích Nhất Hạnh, vở ballet Kiều của Nhà hát Giao hưởng – Nhạc – Vũ kịch TPHCM, phim hoạt hình Yêu Kiều của Dee Dee Animation Studio...
Bằng những cảm nhận của mình về những tác phẩm về Kiều, TS Đào Lê Na đã dành nhiều thời gian nghiên cứu, ấp ủ dự án và từng bước bắt tay thực hiện vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều với sự hỗ trợ của TS Lê Hồng Phước (Phó khoa Ngữ văn Pháp của trường ĐH KHXH-NV, ĐHQG TPHCM) - người có kinh nghiệm biên soạn cải lương để biểu diễn, anh từng có thời gian hoạt động lĩnh vực này trong nhiều năm ở Pháp.
Vở cải lương thể nghiệm Đợi Kiều sẽ tiếp tục sáng đèn suất diễn phục vụ khán giả vào tối 25-9 tại Nhà Văn hóa Thanh Niên TPHCM.