Vở cải lương do Sân khấu Cải lương mới Đại Việt tổ chức thực hiện, với sự tham gia biểu diễn của NSND Phượng Loan, NSND Hoa Phượng, các NSƯT Lê Tứ, Lê Hồng Thắm, Bảo Trí, Trọng Nghĩa, Võ Minh Lâm, các NS Nguyễn Minh Trường, Trọng Hiếu, Trúc Phương, Diệp Duy, Chí Dũng…
Câu chuyện nói về cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, tại 18 thôn vườn trầu, vùng đất giàu truyền thống cách mạng, có địa giới thuộc huyện Hóc Môn, quận 12 và một phần huyện Củ Chi ngày nay. Nằm kế cận Sài Gòn, với địa hình, địa thế thuận lợi, nên Hóc Môn – Bà Điểm được Trung ương Đảng chọn làm căn cứ để hoạt động và lãnh đạo phong trào cách mạng của cả nước. Nơi đây, mấy mươi năm nhân dân ra sức nuôi giấu, che chở cho rất nhiều đồng chí cán bộ cách mạng lãnh đạo Đảng.
Ở vùng đất hiền lành, người dân sống và gắn liền cuộc đời với nghề trồng trọt những dây trầu xanh lá tươi mát ấy, dẫn đầu nhân dân trong thôn xóm có ông Tám Khỏe (NSƯT Lê Tứ thủ vai) và ông Bảy Đờn (NSƯT Võ Minh Lâm), bên cạnh còn có lực lượng những người trẻ tuổi yêu nước: Bí thư Tư Hà (NSND Phượng Loan), Nghĩa (NSƯT Lê Hồng Thắm), Dũng (NS Trọng Hiếu)… cùng đoàn kết hoạt động bí mật, dưới sự chỉ huy của cán bộ cách mạng Sáu Hộ.
Với âm mưu làm lung lay tinh thần và sự đoàn kết của nhân dân 18 thôn vườn trầu, những người dân đang đi theo cách mạng, Trọng Nghĩa (ông Cố vấn Mỹ) và đồn trưởng - đại úy Tiền (NSƯT Bảo Trí) đã đánh đòn tâm lý vào bà con thôn làng khi dùng thủ đoạn đàn áp bắt bớ hạ nhục các thiếu nữ, làm áp lực buộc ông Tám Khỏe vì cứu con cháu mà thốt lời ly khai với Việt Cộng, rồi chiêu dụ Công (NS Nguyễn Minh Trường), con trai Bảy Đờn đầu quân đi lính quốc gia…
Câu chuyện được đạo diễn – NSƯT Hoa Hạ trau chuốt kỹ lưỡng cho từng cảnh diễn, từ đặt để đạo cụ, sắp xếp cảnh trí, kỹ thuật ánh sáng, sử dụng màn hình Led trình chiếu các clip tư liệu quý về cuộc chiến tranh cách mạng hào hùng của dân tộc để tạo hiệu ứng về hình ảnh, hoàn cảnh, hỗ trợ hiệu quả cho các màn ca diễn của nghệ sĩ, khơi gợi mạnh mẽ lòng tự hào về tình yêu quê hương đất nước, cảm xúc rung động khi nhớ về công ơn của bao lớp người đã ngã xuống vì một đất nước Việt Nam độc lập, tự do, hạnh phúc, thanh bình.
Điểm độc đáo của vở diễn còn là sự quy tụ các nghệ sĩ tài năng, tên tuổi, giỏi nghề, ca ngọt, diễn hay của sân khấu cải lương, cùng tham gia thể hiện những bứt phá trong diễn xuất, thể hiện các nhân vật trong câu chuyện kể có thật, về những nhân vật có thật, ở một giai đoạn lịch sử cách mạng không thể nào quên của nhân dân Sài Gòn – TPHCM.
Đặc biệt, ấn tượng với nhiều khán giả chính là màn diễn xuất thần của NSƯT Lê Tứ trong vai ông Tám Khỏe. Từ một người dân trung thành với cuộc đấu tranh chính nghĩa của dân tộc, ông đã phải sống một cuộc sống của người nửa điên nửa tỉnh, tự trách mình lỡ buông lời “ly khai Việt Cộng”, gây nên sự hoang mang và mất mát niềm tin của bà con xóm giềng với ông, người từng chung vai sát cánh cùng bà con chống giặc. Ngược lại, không bỏ bạn tâm giao, ông Bảy Đờn đã ra sức vực dậy tinh thần ông Tám Khỏe với những cảnh diễn đắt giá, đã lấy đi thật nhiều nước mắt của khán giả.
Kết thúc đêm diễn, bài hát Giải phóng miền Nam đã khép lại vở diễn cùng những hình ảnh tư liệu quý giá về một thời khắc lịch sử trọng đại của đất nước: cuộc chiến chính nghĩa thắng lợi, miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thống nhất, đất nước hòa bình.
Vở cải lương Người ven đô sẽ được tái diễn vào tháng 6-2024.