Tham gia biểu diễn trong vở ballet đặc biệt này, có NSƯT Trần Hoàng Yến, Hồ Phi Điệp, Đàm Đức Nhuận; các nghệ sĩ múa trẻ tài năng Đinh Phương Dung, Đỗ Hoàng Khang Ninh, Phan Thái Bình, Đoàn Vũ Minh Tú, Hà Ôn Kim Tuyền, Nguyễn Minh Tâm, Đặng Minh Hiền, Sùng A Lùng, Hà Khánh Vy, Nguyễn Lương Hòa, Nguyễn Đình Bảo Bảo; ca sĩ Chinh Ba và tập thể nghệ sĩ Đoàn múa HBSO.
Sau nhiều tháng ngày tích cực tập luyện, các nghệ sĩ múa HBSO đã dần vẽ nên một bức tranh đẹp, đầy màu sắc với nhiều cung bậc cảm xúc dành cho người xem, thể hiện qua từng màn trình diễn của các nhân vật trong vở Ballet Kiều. Vở diễn có 15 cảnh, với những sắc thái tâm lý khác nhau, thể hiện sự tiếp nối và tương phản của nhiều bức tranh, cuốn hút người xem dõi theo cuộc đời người phụ nữ đẹp nghiêng nước nghiêng thành, sống trong xã hội phong kiến, chịu nhiều truân chuyên, khổ ải, trầm luân. Đó cũng là câu chuyện về một hành trình con người khát khao đi tìm hạnh phúc, khát khao sự tự do và công bằng. Trong bối cảnh hỗn loạn, nhiễu nhương của đời sống xã hội đương thời, thân phận con người, những khát khao vượt qua số phận của Kiều và những nhân vật cận kề Kiều, càng làm nổi bật các giá trị nhân văn sâu sắc, thông qua hệ tư tưởng của triết lý phương Đông về nhân sinh và cội nguồn của bản thể con người.
Bằng tất cả tài năng, độ chín muồi về nghề nghiệp và cả trong tư duy nghệ thuật, kỹ thuật chuyên môn, ê kíp biên đạo múa, nghệ sĩ, diễn viên múa trẻ, tài năng của HBSO đã cùng góp sức để kiến tạo một tác phẩm Ballet Kiều đặc sắc. Vở diễn thể hiện góc nhìn, tư duy sáng tạo, dựa trên nền tảng kỹ thuật ballet hiện đại; đồng thời chuyển tải được những đặc trưng truyền thống và tư tưởng Á Đông sâu sắc. Đặc biệt là sự hòa trộn uyển chuyển, nhuần nhuyễn các thủ pháp, kỹ thuật của múa ballet kinh điển châu Âu với múa truyền thống của Việt Nam; sự kết hợp ấn tượng giữa âm nhạc phong cách semi classic với âm điệu dân gian, dân tộc Việt Nam; cùng với những hiệu ứng về phục trang, đạo cụ, sân khấu và nghệ thuật thị giác hiện đại, mới mẻ, đã giúp tác phẩm múa tạo được nhiều cảm xúc cho người thưởng thức.
Thêm một điểm cộng cho tác phẩm múa này, chính là âm nhạc của Ballet Kiều được sáng tạo bởi hai nhạc sĩ với phong cách khác nhau: âm nhạc của NS Việt Anh mang âm hưởng châu Âu đa tầng, đa diện, có phong cách hòa thanh hiện đại, mới mẻ, sử dụng những âm hưởng dàn nhạc như semiclassic, rất hiệu quả trong những đại cảnh và diễn tả nội tâm. Còn âm nhạc của NS Chinh Ba, lại tạo ấn tượng mạnh vì thích khai thác những âm thanh vocal hòa trộn với những âm điệu truyền thống, không dựa trên điệu thức châu Âu và cũng không hoàn toàn dựa trên một điệu thức dân gian hay truyền thống nào. Những âm thanh đột ngột, gần như vô điệu tính hòa quyện, cùng với những âm hưởng nhạc cụ truyền thống giúp gây ấn tượng mạnh, thường xuất hiện trong những phân khúc kịch tính, lột tả những tính cách dữ dội của nhân vật…
Biên đạo múa Nguyễn Phúc Hùng chia sẻ: “Được tham gia thực hiện một tác phẩm nghệ thuật lớn, đậm chất văn học, có giá trị tư tưởng và tính thẩm mỹ cao, là vinh dự cho chúng tôi. Đây là hoạt động tổ chức biểu diễn nghệ thuật ý nghĩa, khích lệ tinh thần học hỏi, tập luyện, giúp anh em phấn chấn tinh thần, tiếp tục có thêm nhiều cố gắng, nỗ lực làm nghề, năng động sáng tạo, cống hiến hết mình cho nghề”.
Sau buổi công diễn đầu tiên vào tối 20-6 tại Nhà hát TPHCM, Hội Hữu nghị Việt - Mỹ cũng đã đặt hàng HBSO tổ chức một suất diễn Ballet Kiều tại nhà hát này vào tối 24-7. Đến tối 14-8, Ballet Kiều sẽ được tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Tác phẩm múa Ballet Kiều (chuyển thể kịch bản và tổng đạo diễn: Tuyết Minh; biên đạo múa: Tuyết Minh, Nguyễn Phúc Hùng; âm nhạc: NS Vũ Việt Anh, NS Chinh Ba) được Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam đầu tư và phối hợp với Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) tổ chức dàn dựng. Đây là tác phẩm nghệ thuật múa đặc sắc, được chuyển thể từ tác phẩm văn học Truyện Kiều nổi tiếng của đại thi hào Nguyễn Du, là một kiệt tác trong văn học Việt Nam và là một trong số những tác phẩm nổi tiếng nhất của Việt Nam được dịch ra hơn 20 ngôn ngữ khác nhau trên thế giới. |