Công chứng trong dòng chảy công nghệ

Theo Bộ Tư pháp, sau hơn 8 năm thi hành Luật Công chứng năm 2014, các tổ chức hành nghề công chứng trên cả nước thực hiện hơn 41 triệu việc công chứng, nộp thuế và nộp ngân sách nhà nước hơn 2.300 tỷ đồng.

Nhưng ý nghĩa của công chứng, tất nhiên, không chỉ nằm ở những con số này. Việc công chứng đã góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch có giá trị lớn, đóng vai trò là phương tiện sản xuất cơ bản trong nền kinh tế; góp phần đảm bảo xã hội được quản trị đúng pháp luật.

Chính vì thế, đúng như nhiều đại biểu Quốc hội nhận định, hoạt động công chứng không thể đứng ngoài “dòng chảy xiết” của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Việc bổ sung quy định về công chứng điện tử trong dự thảo Luật Công chứng sửa đổi là yêu cầu bức thiết, góp phần thúc đẩy chuyển đổi số trong các giao dịch dân sự, kinh tế; bảo đảm đồng bộ với các quy định mới của Luật Giao dịch điện tử năm 2023.

Tuy nhiên, hoạt động công chứng có nhiều vấn đề đòi hỏi công chứng viên phải trực tiếp tiếp xúc với người yêu cầu công chứng mới đảm bảo tính khách quan, chính xác.

Chẳng hạn, chỉ có công chứng viên, với trình độ và kinh nghiệm thực tế dày dặn, thậm chí cả sự tinh tế trong giao tiếp, mới có thể đánh giá được chính xác năng lực hành vi và ý chí tự nguyện của người yêu cầu công chứng. Nhất là trong bối cảnh tình trạng tội phạm công nghệ cao dùng trí tuệ nhân tạo (AI) giả giọng nói, hình ảnh để lừa đảo đang trở nên rất phổ biến như hiện nay.

Đối soát giấy tờ, đánh giá tính hợp pháp của nội dung giao dịch là công việc chính, quan trọng của công chứng viên theo mô hình công chứng nội dung, cũng là việc đòi hỏi năng lực chuyên môn và kinh nghiệm tích lũy nhiều năm của công chứng viên, vì không chỉ cần tra cứu văn bản pháp luật, đối chiếu với nội dung giao dịch mà còn đòi hỏi tư duy logic, phân tích, đưa ra quyết định, giải thích, tư vấn cho người yêu cầu công chứng…

Do đó, việc thực hiện công chứng điện tử cần tiến hành thận trọng, có bước đi hợp lý.

Tin cùng chuyên mục