TPHCM hiện có 74 tổ chức hành nghề công chứng, bao gồm 7 phòng công chứng và 67 văn phòng công chứng (VPCC). Không thể phủ nhận các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn TP đang phát triển theo chiều hướng tích cực, đáp ứng tốt nhu cầu công chứng của người dân. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn tồn tại tình trạng vô tình hoặc cố ý làm sai quy định tại một số tổ chức hành nghề công chứng. Trong một số trường hợp, chữ ký xác nhận của công chứng viên đã tạo điều kiện cho tội phạm chiếm đoạt tài sản của cá nhân, đơn vị, tổ chức.
Hợp đồng có công chứng vẫn bị lừa
Tháng 10-2010, bà N.T.A.T. (ngụ quận Tân Phú) được người quen giới thiệu cho người khác vay 60 triệu đồng trong thời hạn 1 tháng, tài sản thế chấp là căn nhà của người vay tiền. Tại VPCC Sài Gòn, hai bên ký kết hợp đồng vay tài sản. Tin tưởng hợp đồng đã được công chứng, bà T. giao tiền và nhận giấy tờ nhà của đối phương. Tương tự, vài ngày sau, cũng thông qua người quen giới thiệu, bà T. tiếp tục cho người khác vay 60 triệu đồng, hợp đồng vay tài sản được công chứng tại Phòng Công chứng số 2. Đến thời hạn trả nợ nhưng không liên hệ được với 2 người vay tiền, bà T. đến địa chỉ hai căn nhà được dùng làm tài sản thế chấp thì mới biết bà đang giữ giấy tờ nhà giả, thậm chí người vay tiền cũng giả danh chủ nhà để lừa bà.
Bà T. chỉ là một trong những người bị hại của băng nhóm chuyên làm giả các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, chứng minh nhân dân, giấy ủy quyền, thông báo nộp thuế, lệ phí trước bạ; sau đó đóng giả chủ sở hữu tài sản để thế chấp vay tiền, vàng. Các giấy tờ giả này đã “qua mặt” được công chứng viên, từ đó họ công chứng vào hợp đồng chuyển nhượng nhà đất, hợp đồng vay tiền, vàng. Kết quả điều tra xác định băng nhóm này đã chiếm đoạt hơn 2,9 tỷ đồng, 100USD, 7 lượng vàng SJC của nhiều nạn nhân. Tháng 5-2017, Huỳnh Văn Vũ và Lê Thị Mỹ Trúc Giang (2 bị can nằm trong băng nhóm nói trên) bị Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TPHCM đề nghị Viện KSND TPHCM truy tố về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Các công chứng viên đã ký công chứng vào hợp đồng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng giá như họ cẩn trọng hơn thì đã không xảy ra việc chứng nhận không đúng chủ thể và đối tượng giao dịch, tạo điều kiện cho kẻ lừa đảo phạm tội.
Vi phạm quy định
Không nghiêm trọng đến mức vô tình tiếp tay cho tội phạm, nhưng tại một số tổ chức hành nghề công chứng vẫn xảy ra sai sót trong quá trình hoạt động. Trong năm 2016, Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra chuyên ngành trong hoạt động công chứng đối với 23 VPCC trên địa bàn TPHCM. Kết quả kiểm tra cho thấy, một số hồ sơ công chứng tại VPCC quận 12 vi phạm quy định như: hợp đồng ủy quyền lại có hiệu lực trước ngày văn bản công chứng có hiệu lực; thiếu chữ ký của công chứng viên, chữ ký hoặc dấu điểm chỉ của người yêu cầu công chứng vào từng trang của hợp đồng; chứng nhận hợp đồng ủy quyền quản lý, sử dụng tài sản khi tham gia giao dịch nhưng không có căn cứ xác định tài sản riêng. Tại VPCC Tân Thuận, công chứng viên chứng nhận vào hợp đồng giao dịch đối với tài sản đang bị ngăn chặn bởi Chấp hành viên Chi cục Thi hành án dân sự quận 7. Tại VPCC Đào Xuân Tùng, công chứng viên chứng nhận hợp đồng tặng cho phần quyền sở hữu nhưng chưa có ý kiến của đồng sở hữu.
Ngoài ra, tại một số VPCC khác, đoàn kiểm tra phát hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất vẫn được công chứng dù tài sản chưa làm thủ tục khai nhận di sản thừa kế; công chứng viên chứng thực hợp đồng, giao dịch về bất động sản ngoài phạm vi tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở; công chứng viên làm trái quy định khi chứng thực chữ ký đối với giấy tờ, văn bản có nội dung là hợp đồng, giao dịch (văn bản chứng thực có nội dung phân chia tài sản, định đoạt tài sản, đồng ý tặng cho tài sản là quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, ủy quyền quản lý, sử dụng đất...); công chứng viên công chứng hợp đồng ủy quyền có nội dung vượt quá phạm vi ủy quyền... Chánh Thanh tra Sở Tư pháp TPHCM đã xử phạt vi phạm hành chính các hành vi trên và yêu cầu những VPCC có thiếu sót phải khắc phục, rút kinh nghiệm.
Trong quá trình hoạt động, các tổ chức hành nghề công chứng đã góp phần không nhỏ trong việc bảo đảm tính an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch, tạo sự an tâm nơi người dân, doanh nghiệp, tổ chức. Tuy nhiên, từ những sai phạm của một số công chứng viên và thiếu sót tại các VPCC phát sinh trong thời gian qua, đặt ra yêu cầu các cơ quan nhà nước cần tăng cường vai trò quản lý để hoạt động của các tổ chức này được thực hiện đúng mục đích, chất lượng, hiệu quả.
Từ những thiếu sót đã xảy ra, Sở Tư pháp TPHCM đề nghị Bộ Tư pháp nghiên cứu, phối hợp với các bộ, ngành liên quan để xây dựng cơ chế cho các kết nối, chia sẻ thông tin trong lĩnh vực công chứng, giao dịch bảo đảm, với hệ thống thông tin dữ liệu của các tổ chức hành nghề công chứng, cơ quan công an, cơ quan thi hành án và các cơ quan có liên quan khác, nhằm ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời tình trạng giả mạo giấy tờ, giả mạo chủ thể trong hoạt động công chứng.
Sở Tư pháp TPHCM sẽ tổ chức tọa đàm về tình trạng giả mạo trong hoạt động công chứng, chứng thực với các cơ quan, đơn vị có liên quan; tổ chức giao ban về công tác chứng thực và tập huấn kỹ năng nhận dạng giấy tờ giả.