Tự giác trách nhiệm
Đúng 7 giờ 30 sáng thứ ba 8-6, chị Trần Huỳnh Thế Mỹ, chuyên viên cơ quan Bảo hiểm xã hội (BHXH) TPHCM đăng nhập vào hệ thống làm việc online. Trước tiên, chị vô group (nhóm) làm việc chung của phòng để điểm danh và nhận chỉ đạo mới từ lãnh đạo phòng.
Vừa trao đổi công việc đầu ngày, chị Mỹ vừa đăng nhập hệ thống của ngành BHXH để duyệt hồ sơ, nhất là các hồ sơ cài đặt ứng dụng VssID (BHXH số) của người dân, doanh nghiệp gửi về.
Chị Nguyễn Thị Mai (ngụ quận 3, TPHCM), người vừa được duyệt hồ sơ VssID chia sẻ: “Có mật khẩu, tôi đăng nhập ngay và nắm bắt đầy đủ quá trình tham gia BHXH của mình. Rất là yên tâm khi biết được cụ thể mức tiền lương công ty đóng BHXH cho tôi là bao nhiêu, có đóng thiếu không…”.
Chị Trần Huỳnh Thế Mỹ cho hay, mỗi tuần, chị làm việc ở nhà 2 ngày và 3 ngày làm việc trên cơ quan. Lúc 16 giờ hàng ngày, chị cùng các viên chức BHXH báo cáo kết quả làm việc trong ngày để cơ quan đánh giá. Chị nhận xét: “Làm việc tại nhà mang lại cho tôi cảm giác về phong cách làm việc hiện đại, cởi mở nhưng đầy tự giác và hiệu quả”.
Gần 1.300 công chức, viên chức, người lao động ngành BHXH TPHCM luân phiên làm việc tại nhà. Ông Phan Văn Mến, Giám đốc BHXH TPHCM, đánh giá, mỗi ngày làm việc, cơ quan BHXH tiếp nhận, xử lý lượng hồ sơ rất lớn - khoảng 25.000 hồ sơ, nên cường độ làm việc rất cao và liên tục. Điểm thuận lợi là ngành BHXH ứng dụng mạnh công nghệ thông tin, gần như tất cả thủ tục liên quan đến người dân, doanh nghiệp đều giải quyết trực tuyến nên công chức, viên chức làm việc tại nhà vẫn có thể giải quyết công việc trôi chảy.
Ông Lê Minh Tấn, Giám đốc Sở LĐTB-XH TPHCM, cho hay, các bộ phận văn phòng của sở thực hiện 50% làm việc tại nhà. Tuy nhiên, các bộ phận làm việc trực tiếp tại các cơ sở cai nghiện ma túy, cơ sở bảo trợ xã hội trên địa bàn TPHCM - là những đơn vị đặc thù, thì vẫn đảm bảo 100% trực tại đơn vị.
Tại quận Gò Vấp, ông Nguyễn Trí Dũng, Chủ tịch UBND quận Gò Vấp (TPHCM), cho hay, từ ngày đầu quận áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Chính phủ, quận đã chỉ đạo giảm số lượng cán bộ, công chức làm việc ở cơ quan, công sở và bố trí làm việc tại nhà. Tỷ lệ làm việc ở cơ quan không quá 1/3. Tuy nhiên, cán bộ, công chức các phường hầu như được huy động tối đa, không chỉ đảm bảo công tác tại cơ quan, làm việc tại nhà mà còn được phân công tham gia nhiệm vụ trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội.
Thúc đẩy chuyển đổi số
Tại quận 6, Chánh Văn phòng HĐND - UBND quận 6 Đoàn Trần Hải Âu cho biết, một nhân viên văn thư của đơn vị cư trú tại quận Gò Vấp đã làm việc tại nhà từ khi có chủ trương giãn cách. Các anh chị em trong đơn vị cũng thay phiên nhau làm việc tại nhà, đảm bảo không quá 50% có mặt tại đơn vị. Cán bộ công chức được yêu cầu mở điện thoại di động 24/24 giờ để khi có việc đột xuất có thể huy động ngay.
Dịch bệnh ảnh hưởng đến công việc nói chung, song ông Đoàn Trần Hải Âu đánh giá đây cũng là cơ hội để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, tăng tỷ lệ hồ sơ điện tử. Bởi trước đây trong điều kiện bình thường, làm việc cùng một tòa nhà nên thói quen của hầu hết mọi người là làm việc trên hồ sơ giấy. Nhưng trong điều kiện dịch bệnh như hiện nay, làm việc bằng hồ sơ điện tử gần như là việc phải làm.
Ông Hải Âu cho biết, năm nay TPHCM đưa vào chỉ tiêu thi đua là ở cấp quận phải có trên 70% hồ sơ giải quyết là hồ sơ điện tử, ở cấp phường trên 40%. Ông phân tích: “Đây cũng là cơ hội để các đơn vị tìm giải pháp đưa tỷ lệ hồ sơ điện tử tăng lên. Hồ sơ điện tử rất thuận tiện trong quá trình chuyển đổi số, sẽ không phải làm công tác số hóa hồ sơ nữa, tiết kiệm được rất nhiều tiền của”.
Để tạo thuận lợi cho các cơ quan đơn vị tổ chức cho cán bộ công chức, viên chức, người lao động làm việc tại nhà, Sở TT-TT TPHCM đã có hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin trong cao điểm phòng chống dịch Covid-19. Tính đến nay, các đơn vị cơ bản đã triển khai đồng bộ, ổn định, trong quá trình triển khai nếu có vướng mắc, sở sẽ cử cán bộ hỗ trợ trực tiếp.
Riêng tại cơ quan Sở TT-TT TPHCM, Giám đốc sở Lâm Đình Thắng cho biết, từ kinh nghiệm từ đợt dịch năm 2020, việc ứng dụng công nghệ để giải quyết công việc từ xa được thực hiện dễ dàng. Đặc biệt, hầu hết cán bộ công chức đều đã sử dụng chữ ký số để trình hồ sơ qua phần mềm quản lý văn bản và chỉ đạo điều hành. Nhờ đó, công việc vẫn trôi chảy, thuận lợi.
* Th.S Nguyễn Đặng Phương Truyền, Phân viện Học viện Hành chính Quốc gia tại TPHCM: Một số lãnh vực nên duy trì làm việc từ xa kể cả sau dịch Làm việc tại nhà, hiệu quả công việc vẫn đảm bảo, trong khi người lao động không cần tới cơ quan, giảm được áp lực về giao thông, thời gian đi lại… Theo tôi, tùy vào tính chất công việc, có những công việc làm trực tiếp vẫn tốt hơn, như công việc giảng dạy của chúng tôi cần sự tương tác trực tiếp, nhưng cũng có những việc hoàn toàn có thể làm tốt ở nhà, vì hiện nay trình độ và điều kiện công nghệ thông tin đã tốt hơn rất nhiều so với trước đây. Cho nên sau khi dịch Covid-19 được kiểm soát, chúng ta vẫn nên nghiên cứu, phân loại tính chất công việc để duy trì một lượng công chức, người lao động làm việc từ xa là hợp lý. * Ông VŨ ANH KHOA, Chủ tịch UBND quận 10, TPHCM: Làm việc tại nhà chỉ nên áp dụng trong lúc giãn cách xã hội Làm việc tại nhà bước đầu mang lại hiệu quả nhưng chỉ nên áp dụng khi thực hiện giãn cách xã hội. Về lâu dài, vẫn nên theo quy định cán bộ, công chức phải làm việc trực tiếp tại cơ quan, vì cán bộ, công chức ngoài việc giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính còn phải đi thực tế cơ sở để nắm bắt tình hình. Hiện nay, khi bố trí cán bộ, công chức làm việc tại nhà cũng còn có những hạn chế. Việc trao đổi công việc giữa thủ trưởng đơn vị và công chức có những khó khăn. Một số nội dung công việc bắt buộc phải xử lý bằng văn bản giấy nên buộc cán bộ, công chức phải làm việc tại cơ quan. |