Đến dự có Phó Bí thư Thành ủy, Bí thư Đảng đoàn MTTQ Việt Nam TPHCM Nguyễn Phước Lộc; Phó Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Văn Dũng; lãnh đạo một số sở, ban ngành của TP; đại diện lãnh đạo Cơ quan Thường trực khu vực miền Nam, Ban Tuyên giáo Trung ương; đại diện Bộ NN-PTNT; đại diện Bộ VH-TT-DL…
Phát biểu tại buổi lễ, ông Đinh Minh Hiệp, Giám đốc Sở NN-PTNT TPHCM cho hay, Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" bắt nguồn từ Nhật Bản, đến nay đã có hơn 40 quốc gia trên thế giới thực hiện chương trình này. Từ hiệu quả triển khai của các nước, ngày 7-5-2018, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 490/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2018-2020 (gọi tắt là Chương trình OCOP), với mục tiêu phát triển các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn.
Với thế mạnh của TPHCM, UBND TP ban hành Quyết định số 385/QĐ-UBND ngày 28-1-2019 về phê duyệt Đề án Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) trên địa bàn vùng nông thôn TPHCM đến năm 2020.
Ngày 22-2-2022, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 263/QĐ-TTg về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, trong đó có nội dung “tiếp tục triển khai mạnh mẽ chương trình OCOP”.
Tiếp theo đó, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 919/QĐ-TTg ngày 1-8-2022 về phê duyệt Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" giai đoạn 2021-2025, càng cho thấy vai trò và tầm quan trọng của chương trình OCOP. Với những kết quả đạt được ban đầu, xuất phát từ nhu cầu thực tiễn trong quá trình đánh giá, phân hạng sản phẩm, TPHCM đã tiếp tục ban hành Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8-6-2022 về phê duyệt Đề án OCOP trên địa bàn TP giai đoạn 2021-2025.
Từ khi triển khai Chương trình OCOP theo Quyết định số 1943/QĐ-UBND ngày 8-6-2022 của UBND TPHCM, chương trình đã có những bước tiến nổi bật, đáng kể. Việc triển khai thực hiện Chương trình OCOP được mở rộng trên địa bàn toàn TP, từ đó thu hút nhiều chủ thể (doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại và các hộ dân có sản xuất kinh doanh) tham gia; các sở, ngành, phòng, ban chức năng của Sở NN-PTNT, các quận, huyện và TP Thủ Đức tích cực triển khai.
Đến nay, TP đã công nhận 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể, trong đó có 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao. Nhằm phát triển và khuyến khích các chủ thể tham gia nhiều hơn vào Chương trình OCOP, TP đã tổ chức lễ công bố công nhận 39 sản phẩm OCOP năm 2022, lễ ký kết hỗ trợ tiêu thụ các sản phẩm OCOP, hội chợ xúc tiến thương mại các sản phẩm OCOP, tuần lễ sản phẩm OCOP TPHCM…
Tại buổi lễ, ông Đinh Minh Hiệp đề nghị Sở KH-CN hỗ trợ về sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm, cấp nhãn hiệu hàng hoá, hỗ trợ các giải pháp công nghệ góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm OCOP
Với Sở Công thương, cần hỗ trợ kết nối xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm OCOP đến hệ thống siêu thị hiện có trên địa bàn TP.
Sở Du lịch cần kết nối tuyến du lịch với các cơ sở sản xuất, kinh doanh sản phẩm OCOP; quảng bá giới thiệu sản phẩm OCOP đến các hệ thống nhà hàng, khách sạn; giới thiệu sản phẩm OCOP tại các sự kiện quảng bá du lịch của TPHCM.
Với Sở TT-TT, cần hỗ trợ thực hiện chuyển đổi số trong công tác quản lý, bán hàng, kết nối sản phẩm OCOP đến với thị trường trong và ngoài nước.
Đối với UBND các quận, huyện và TP Thủ Đức cần chủ động kêu gọi xã hội hóa xây dựng điểm giới thiệu, kinh doanh sản phẩm OCOP; tăng cường tuyên truyền quảng bá, giới thiệu sản phẩm OCOP tại địa phương…
Đặc biệt, các chủ thể cần phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, đổi mới sản phẩm; chú trọng duy trì và nâng cao chất lượng đối với các sản phẩm đã được TP đánh giá, phân hạng sao.
Tại buổi lễ, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM Nguyễn Phước Lộc đã trao giấy chứng nhận sản phẩm OCOP đạt chuẩn 4 sao và 3 sao của UBND TP cho 6 chủ thể.
Đồng thời, tại buổi lễ cũng diễn ra Lễ ký kết Hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm OCOP giữa Liên hiệp Hợp tác xã Thương mại TPHCM (Saigon Co.op), Tổng Công ty Thương mại Sài Gòn TNHH MTV - Satra và 6 chủ thể OCOP.