Sáng 17-7, Bộ GD-ĐT tổ chức hội nghị công tác tuyển sinh năm 2019 và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34). Hội nghị sẽ tổ chức trực tuyến tại 3 đầu cầu: Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM.
Nội dung chương trình hội nghị là những vấn đề nóng nhất hiện nay đó là công tác tuyển sinh, thực hiện tự chủ đại học trong Luật số 34... sẽ được các trường trên cả nước mổ xẻ, kiến nghị và bàn luận.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT thông tin trong kỳ thi vừa qua một số trường không cử đủ cán bộ để tham gia kỳ thi, có trường còn có cán bộ coi thi vi phạm quy chế; Tỷ lệ tốt nghiệp THPT cả nước là 94,06%; Điểm thi và phổ điểm khá thuận lợi cho các trường xét tuyển.
Về chấm thi phúc khảo, Sở GD-ĐT chuyển dữ liệu phúc khảo cho hội đồng thi vào ngày 24-7 và tổ chức phúc khảo bài thi hoàn thành trước ngày 2-8.
Tổng chỉ tiêu năm 2019 là 489.637, tăng 7% so với năm 2018 do các trường kiểm định xác định theo năng lực. Trong đó, xét bằng điểm thi THPT quốc gia là 341.840 chỉ tiêu, tương đương năm 2018; Chỉ tiêu bằng các phương thức khác là 147.979, tăng 36.000 so với năm 2018; Chỉ tiêu ngành sư phạm là 46.285, chỉ đạt 73% nhu cầu các tỉnh (đặc biệt, năm 2018 chỉ tuyển được 44% nhu cầu đào tạo sư phạm của các tỉnh).
Từ ngày 6 đến ngày 8-8 thực hiện quy trình xét tuyển và lọc ảo. Ngày 9-8 sẽ công bố điểm chuẩn.
Về công tác tuyển sinh, Bộ GD-ĐT cho rằng các trường khai trong đề án tuyển sinh chưa chính xác về giảng viên cơ hữu, báo chí đã phản ánh và Bộ GD-ĐT cũng đã xử lý và yêu cầu sửa lại đề án. Bộ sẽ tiến tới xây dựng cơ sở dữ liệu giảng viên chuẩn của giáo dục ĐH.
Thông tin về xét tuyển khối ngành sức khoẻ chưa rõ ràng, nhiều trường thông báo kết quả xét tuyển học bạ trước khi xét tốt nghiệp.
Về công tác thanh tra, kiểm tra công tác tuyển sinh năm 2019, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) khẳng định: Bộ GD-ĐT sẽ đăng tải toàn bộ danh sách giảng viên, danh sách thí sinh nhập học của các trường trong năm 2018, 2019 trên Cổng Thông tin Tuyển sinh của Bộ GD-ĐT để người học và xã hội giám sát, thực hiện hậu kiểm đối với tất cả các trường.
Theo đó, cơ sở giáo dục nào vi phạm quy định về đối tượng, điều kiện tuyển sinh, chỉ tiêu tuyển sinh sẽ bị xử lý trừ chỉ tiêu năm sau, xử phạt hành chính, không được tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh trong 5 năm tiếp theo; Hiệu trưởng hoặc chủ tịch hội đồng tuyển sinh và những người liên quan sẽ bị xử lý.
Về tuyển sinh ngành sư phạm, Bộ GD-ĐT cầu thị nhờ các trường tham mưu với ủy ban các tỉnh nhu cầu đào tạo giáo viên, đồng thời tư vấn giúp bộ về chỉ tiêu, điểm sàn sư phạm và những giải pháp thu hút thí sinh giỏi vào ngành sư phạm.
Về thực hiện Luật giáo dục Đại học sửa đổi (Luật số 34), hội nghị tập trung thảo luận triển khai thành lập, kiện toàn hội đồng trường, các thuận lợi và khó khăn cũng như những vấn đề đặt ra; mối quan hệ và cơ chế phối hợp, giám sát hội đồng trường; tự chủ đại học và trách nhiệm giải trình; chuẩn bị các điều kiện thực hiện tự chủ toàn diện; tự chủ tài chính và sử dụng tài sản công.