Đây là lần đâu tiên kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018, Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc.
Sáng 2-7, tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch nước tổ chức họp báo công bố quyết định về đặc xá năm 2021 của Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Theo Quyết định số 1161/QĐ-CTN (ngày 30-6-2021) của Chủ tịch nước, trong dịp Quốc khánh năm nay (2-9-2021), Nhà nước sẽ thực hiện đặc xá tha tù trước thời hạn cho người bị kết án phạt tù có thời hạn, tù chung thân. Thời gian đã chấp hành án phạt tù để xét đặc xá tính đến ngày 31-8-2021.
Quang cảnh cuộc họp báo. Ảnh: T.B Đối tượng đặc xá bao gồm người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù.
Trong đó, người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, người bị kết án tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện, gồm: Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là một phần hai thời gian đối với trường hợp bị phạt tù có thời hạn; đã chấp hành án phạt tù ít nhất là 15 năm đối với trường hợp bị phạt tù chung thân; người bị kết án về tội phá hoại việc thực hiện các chính sách kinh tế - xã hội.
Người đang chấp hành án đã chấp hành xong hình phạt bổ sung là phạt tiền, đã nộp án phí; đã thi hành xong nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác đối với người bị kết án phạt tù về các tội phạm tham nhũng... cũng thuộc đối tượng xem xét đặc xá.
Người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù được đề nghị đặc xá phải có đủ các điều kiện gồm: Có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo tốt và được xếp loại chấp hành án phạt tù khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự trong thời gian chấp hành án phạt tù trước khi có quyết định tạm đình chỉ.
Những người đã lập công lớn trong thời gian chấp hành án phạt tù, có xác nhận của trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện hoặc cơ quan có thẩm quyền khác; người đang mắc bệnh hiểm nghèo; người khi phạm tội dưới 18 tuổi; người đủ 70 tuổi trở lên; hoặc người có hoàn cảnh gia đình đặc biệt khó khăn và bản thân là lao động chính...
Có 15 trường hợp không được đề nghị đặc xá. Đáng chú ý trong đó là trường hợp đối tượng bị kết án phạt tù về tội phản bội Tổ quốc; tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân; tội gián điệp; tội xâm phạm an ninh lãnh thổ; tội bạo loạn; tội khủng bố nhằm chống chính quyền nhân dân; tội phá hoại cơ sở vật chất - kỹ thuật của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; tội phá rối an ninh; tội chống phá cơ sở giam giữ; tội khủng bố hoặc một trong các tội quy định tại chương về các tội phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh của Bộ luật Hình sự… |
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: T.B
Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước Lê Khánh Hải nêu rõ: Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, được thể chế hóa bằng Luật Đặc xá năm 2007 và nay là Luật Đặc xá năm 2018.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước đã tiến hành nhiều đợt đặc xá tha tù cho những phạm nhân có quá trình cải tạo lao động, học tập tốt, trở về với cộng đồng và xã hội. Kể từ khi Luật Đặc xá được sửa đổi vào năm 2018, đây là lần đầu tiên Chủ tịch nước quyết định đặc xá nhằm thực hiện chính sách khoan hồng, nhân đạo của Đảng, Nhà nước và truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù, khuyến khích họ phấn đấu học tập, rèn luyện tiến bộ trở thành người có ích cho xã hội.
Trước đó, vào ngày 4-5 vừa qua, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc họp với các lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Chủ tịch nước, các cơ quan tố tụng Trung ương và Bộ Công an về thi hành Luật Đặc xá.
Tại cuộc họp này, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, cần phải thực hiện nghiêm đạo luật này nhằm thể hiện sự ưu việt của chế độ ta. Hiện nay, ngoài chế định đặc xá, Bộ luật Hình sự cũng có quy định về tha tù trước thời hạn có điều kiện.
Nhưng hai chế định này không giống nhau. Vì tha tù trước thời hạn là biện pháp tạm tha do Tòa án quyết định, còn đặc xá là tha hoàn toàn do Chủ tịch nước quyết định theo thủ tục riêng biệt ngoài tòa án.
Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng trả lời báo chí tại cuộc họp báo. Ảnh: T.B Tại buổi họp báo, trả lời câu hỏi của báo chí, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng, Thứ trưởng Bộ Công an, khẳng định: Đặc xá theo Quyết định của Chủ tịch nước được thực hiện trên nguyên tắc dân chủ, khoa học, khách quan, công bằng, công khai, minh bạch, đúng pháp luật.
Ngay sau buổi công bố này, Hội đồng tư vấn đặc xá và các cơ quan chức năng sẽ tổ chức các khâu để xét duyệt đề nghị đặc xá theo đúng quy định của pháp luật và Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước.
Liên quan đến các phạm nhân là người nước ngoài, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cho biết, hiện nay, các trại giam đang giam giữ khoảng 600 phạm nhân có quốc tịch nước ngoài bao gồm 28 quốc tịch và một số không xác định được quốc tịch.
“Những phạm nhân có quốc tịch nước ngoài cũng được đối xử bình đẳng như các phạm nhân có quốc tịch Việt Nam trong đợt đặc xá lần này nếu đủ điều kiện”, Thiếu tướng Lê Quốc Hùng khẳng định.
Thiếu tướng Lê Quốc Hùng cũng cho biết, hiện nay, Việt Nam có khoảng trên 100.000 phạm nhân đang thi hành án tại các cơ sở cải tạo. So với các nước xung quanh Việt Nam có sự tương đồng về dân số, địa lý thì tỷ lệ phạm nhân của Việt Nam thấp hơn rất nhiều.
TRẦN BÌNH