Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, Hà Giang với vị trí là một tỉnh miền núi biên giới có tính đặc thù và quan trọng, do đó quy hoạch tỉnh Hà Giang cũng được gắn với những chính sách mang tính chất đặc thù. Quy hoạch tỉnh Hà Giang đã thể hiện được tư tưởng đổi mới, với tư duy, tầm nhìn chiến lược và đầy khát vọng hướng tới sự phát triển toàn diện, bền vững, hướng đến mục tiêu phát triển xanh, bản sắc và toàn diện.
Trước đó, quy hoạch tỉnh Hà Giang đã cụ thể hóa chủ trương của Bộ Chính trị tại Nghị quyết số 11-NQ/TW về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi Bắc bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, với trọng tâm là tăng cường công tác giữ đất, giữ rừng, giữ dân; củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại; góp phần bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ.
Quy hoạch tỉnh Hà Giang thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đề ra ưu tiên phát triển 6 cụm ngành, lĩnh vực quan trọng là nông, lâm nghiệp và thủy sản; phát triển du lịch; phát triển kinh tế biên mậu; ngành công nghiệp - xây dựng; các ngành dịch vụ; ngành giáo dục và đào tạo.
Quy hoạch cũng tập trung vào 4 trụ cột tăng trưởng gồm: hạ tầng giao thông và hạ tầng số, du lịch bản sắc và đẳng cấp; hình thành chuỗi sản phẩm nông nghiệp đặc trưng phù hợp với khí hậu thổ nhưỡng của vùng; xây dựng phát triển các đô thị mang kiến trúc bản sắc (biên giới, núi cao, dân tộc) và hiện đại; tận dụng tốt nhất cơ hội, thúc đẩy chuyển đổi số trên tất cả các lĩnh vực để tạo ra đột phá, lợi thế so sánh phát triển.
Một số mục tiêu phát triển quan trọng đến năm 2030: tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân giai đoạn 2021 - 2030 đạt trên 8%/năm; cơ cấu kinh tế nông - lâm - thủy sản khoảng 22%, công nghiệp - xây dựng khoảng 29%, dịch vụ khoảng 44%, thuế và trợ cấp khoảng 5%.
Tổng sản phẩm bình quân đầu người đến năm 2030 đạt 95 triệu đồng. Giai đoạn 2021 - 2030, tăng trưởng năng suất lao động đạt khoảng 7%/năm. Thu ngân sách trên địa bàn đến năm 2030 đạt 6.000 tỷ đồng.
Nhu cầu huy động vốn đầu tư phát triển giai đoạn 2021 - 2030 trên 132.000 tỷ đồng. Tỷ lệ đầu tư trên GRDP bình quân khoảng 30%/năm. Khách du lịch năm 2030 đạt khoảng 5 triệu lượt người…
Đến nay, công tác lập quy hoạch thuộc hệ thống quy hoạch quốc gia cơ bản đã hoàn thành, hiện có 60/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã hoàn thành xong, trong đó có 55/63 quy hoạch tỉnh, thành phố đã được Thủ tướng phê duyệt.