Ưu tiên NCKH sẽ có thứ hạng cao
Với bảng xếp hạng ĐH đầu tiên này của Việt Nam, tiêu chí xếp hạng ĐH của nhóm chuyên gia độc lập dựa trên 2 nhiệm vụ chính của nhà trường, gồm đào tạo và NCKH. Hai nhiệm vụ này được đánh giá quan trọng như nhau, nên mỗi bên đều chiếm 40% trọng số. Cơ sở vật chất và chất lượng quản trị nhà trường chiếm 20% trọng số còn lại. Kết quả xếp hạng ĐH của nhóm được cho là có vài bất ngờ khi các ĐH Quốc gia và ĐH vùng đều có thứ hạng cao.
Nhưng điều gây ngạc nhiên là một số trường ĐH thành lập sau này, chưa được biết đến nhiều lại chiếm vị trí cao trong bảng xếp hạng, như Trường ĐH Tôn Đức Thắng (xếp vị trí thứ 2) và Trường ĐH Duy Tân (thứ 9). Thứ hạng cao chủ yếu đến từ thành tích về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở giáo dục ĐH này.
Đáng chú ý, các trường ĐH thuộc khối kinh tế có tiếng lâu nay và là sự lựa chọn của nhiều sinh viên giỏi đều xếp hạng trung bình, như các ĐH Ngoại thương (thứ 23), ĐH Thương mại (thứ 29), ĐH Kinh tế Quốc dân (thứ 30) và Học viện Tài chính (thứ 40).
Nguyên nhân được xác định do sự hiện diện của những trường này trên các ấn phẩm khoa học quốc tế còn mờ nhạt; ít giảng viên có trình độ tiến sĩ. Các trường sẽ cần vượt qua nhiều thách thức, đặc biệt trong công bố quốc tế, nếu muốn vươn lên vị trí cao hơn trên bảng xếp hạng trong thời gian tới.
Kết quả xếp hạng này đã gây nhiều tranh cãi trong xã hội cũng như trong chính ngành giáo dục thời gian qua. Nhiều ý kiến ủng hộ kết quả xếp hạng khi cho rằng, tiêu chí quan trọng hàng đầu để khẳng định thứ hạng của một trường ĐH chính là thành tựu về NCKH. Nếu trường yếu kém về lĩnh vực này thì mọi kết quả về đào tạo không thể thuyết phục. Ngược lại với luồng ý kiến ủng hộ là những lập luận cho rằng, không thể chấp nhận việc xếp hạng thấp đối với những trường ĐH đang “hot” về đầu vào tuyển sinh.
Thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập
Hoạt động NCKH nâng cao vị thế của các trường ĐH thể hiện qua số lượng và chất lượng của công bố khoa học, nhất là công bố quốc tế. Thông qua công bố khoa học, với số lượng bài báo và bằng chứng nhận sở hữu trí tuệ đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao vị thế của các trường ĐH và tiềm lực NCKH của quốc gia.
Trong hầu hết xếp hạng về tiềm lực NCKH của các tổ chức khác nhau từ QS Ranking, QS Start, URAP cho đến Webometrics, các chỉ số liên quan trực tiếp và gián tiếp đến NCKH cụ thể như số công bố có trích dẫn cao nhất, số sản phẩm công nghệ có patent, số spin-off trên thị trường chuyển nhượng, số start-up được hình thành… đều có trọng số rất cao trong đánh giá xếp hạng của ĐH hay tổ chức nghiên cứu nói chung. Thực tế, so với một số nước trong khu vực ASEAN, thì công bố quốc tế của ta còn khiêm tốn, kể cả số lượng và chất lượng. Theo thống kê từ Web of Science, giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài; trong đó, số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường ĐH có 5.738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước. Dù số công trình của Việt Nam được công bố trên tạp chí khoa học quốc tế ISI trong 5 năm qua tăng khoảng 20%/năm nhưng con số này chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Malaysia và 1/5 của Singapore. Điều này đặt ra thách thức lớn về năng lực nghiên cứu và đánh giá xếp hạng các cơ sở giáo dục ĐH Việt Nam.
Thực tế cho đến nay, cấp ĐH Việt Nam chưa được xếp hạng một cách định lượng. Trong các bảng xếp hạng ĐH uy tín trên thế giới như Times Higher Education (THE), World University Rankings (QS), Webometrics... Việt Nam chưa có trường ĐH nào lọt vào danh sách Top 1.000. Nếu thực sự muốn có thứ hạng cao trong bảng xếp hạng như cách mà thế giới đang làm, các trường ĐH Việt Nam không còn con đường nào khác là phải dành nhiều ưu tiên cho NCKH và công bố quốc tế.
Để khẳng định vị thế của mình, nhất là tiến tới hội nhập giáo dục ĐH thế giới, không còn con đường nào khác là các trường ĐH trong nước phải đầu tư cho NCKH, đẩy mạnh công bố quốc tế. Công bố quốc tế, ngoài việc là thước đo năng lực nghiên cứu và khả năng hội nhập của các nhà khoa học, còn là một trong những tiêu chí quan trọng để đánh giá và xếp hạng ĐH Việt Nam. Nói như TS Phan Xuân Hiếu (Trường ĐH Công nghệ - ĐH Quốc gia Hà Nội), công bố quốc tế là một trong những chỉ số quan trọng nhất cho biết một nhà nghiên cứu có tiếp cận và cập nhật những xu thế mới và quan trọng trong ngành của khoa học thế giới hay không; có đủ năng lực để tương tác với các đồng nghiệp quốc tế thông qua ngôn ngữ khoa học hay không; có những kết quả nghiên cứu giá trị và thực sự ít nhiều ảnh hưởng đến cộng đồng nghiên cứu hay không…?
TS Nguyễn Hoàng Nam (Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐH Quốc gia Hà Nội) khẳng định, công bố quốc tế sẽ giúp cơ sở giáo dục ĐH quảng bá mình tốt hơn. Qua đó, thu hút được nhiều sinh viên và các nguồn tài trợ, thu hút thêm nhiều nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia vào hoạt động nghiên cứu và đào tạo. Dĩ nhiên, để đẩy mạnh NCKH, bản thân các trường phải có những hỗ trợ thiết thực cho giảng viên - các nhà khoa học cũng như sinh viên để thúc đẩy phát triển công bố khoa học. Bên cạnh đó, không thể thiếu bàn tay “bà đỡ” của Nhà nước với những chính sách đủ mạnh cho các trường NCKH, bởi hoạt động khoa học - công nghệ không chỉ phục vụ cho hoạt động của nhà trường mà còn tạo ra những sản phẩm trực tiếp nâng cao tiềm lực khoa học - công nghệ quốc gia, ứng dụng trực tiếp vào cuộc sống, nâng cao giá trị sản phẩm để đất nước tăng trưởng.