Tại cuộc họp báo, Thiếu tướng Phạm Hải Trung, Trưởng ban quản lý lăng, Tư lệnh Bộ Tư lệnh bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh cho biết, trong hơn 50 năm qua, Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách để lãnh đạo, chỉ đạo nhiệm vụ chính trị đặc biệt giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Tuy nhiên, phần lớn các quy định pháp luật hiện hành chỉ mới tập trung vào việc quản lý, bảo vệ công trình trong Khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhiều vấn đề quan trọng vẫn chưa được quy định.

Thêm vào đó, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kỹ thuật đặc thù, có nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất đặt hàng từ nước ngoài, do đó trong trường hợp tình hình thế giới có biến động, việc nhập khẩu vật tư, trang thiết bị, đào tạo nhân lực ở nước ngoài gặp không ít khó khăn. Vì vậy, việc xây dựng, ban hành pháp lệnh là hết sức cần thiết.
Pháp lệnh Quản lý, bảo vệ khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được Quốc hội khóa XV thông qua, gồm 6 chương và 32 điều. Trong đó, quy định cụ thể về các nội dung như: phạm vi và tổng thể khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh; về tôn tạo, sửa chữa; nguồn kinh phí dành cho duy trì hoạt động khu di tích; chế độ tiền lương và các chính sách hỗ trợ đối với lực lượng bảo vệ, quản lý khu di tích…
Pháp lệnh trên là văn bản quy phạm pháp luật cao nhất tính đến thời điểm hiện nay để thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước về giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ khu di tích lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 19-5-2025.