Sáng nay 28-6, Văn phòng Chủ tịch nước đã tổ chức họp công bố Lệnh của Chủ tịch nước về việc công bố 7 Luật đã được Quốc hội Khóa XIV, kỳ họp thứ 5 vừa thông qua, gồm: Luật Quốc phòng, Luật Cạnh tranh, Luật Tố cáo, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ, Luật An ninh mạng và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch.
Tại đây, lãnh đạo Bộ TN-MT, Bộ Công thương, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Thanh tra Chính phủ, Bộ VH-TT-DL, Bộ KH-ĐT đã thông tin những điểm quan trọng của các Luật này.
Toàn cảnh cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH Về Luật Tố cáo (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019), Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Nguyễn Văn Thanh cho biết, Luật tiếp tục kế thừa quy định của Luật Tố cáo năm 2011 về phạm vi điều chỉnh, trong đó quy định về tố cáo và giải quyết tố cáo đối với 2 nhóm hành vi vi phạm pháp luật: Tố cáo hành vi vi phạm trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý Nhà nước trong các lĩnh vực.
Bên cạnh đó, Luật Tố cáo còn quy định về vấn đề bảo vệ người tố cáo, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong việc quản lý công tác giải quyết tố cáo.
Về hình thức tố cáo, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ cho biết: Luật Tố cáo mới tiếp tục quy định 2 hình thức tố cáo là tố cáo bằng đơn, tố cáo trực tiếp.
Tuy nhiên, cũng không bỏ qua thông tin từ các hình thức tố cáo khác, nên Luật cũng quy định, đối với những thông tin có nội dung tố cáo được phản ánh không theo 2 hình thức tố cáo trên, nếu có nội dung rõ ràng, cơ quan tiếp nhận thông tin phải tiến hành kiểm tra, thanh tra, xử lý theo thẩm quyền hoặc chuyển đến cơ quan, tổ chức có thẩm quyền xem xét để không bỏ sót thông tin.
Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, một điểm đáng lưu ý là Luật đã quy định về tiếp nhận, xử lý ban đầu thông tin tố cáo. Đây là bước quan trọng để các cơ quan có thẩm quyền quyết định thụ lý hay không thụ lý giải quyết tố cáo. Do đó, Luật quy định cụ thể việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn tố cáo, đảm bảo cho việc xử lý được thực hiện một cách chặt chẽ.
Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng đã giới thiệu một số điểm quan trọng của Luật Quốc phòng (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019). Trong đó liên quan đến phòng thủ quân khu, khu vực phòng thủ, Luật bố sung quy định về phòng thủ Thủ đô Hà Nội là bộ phận hợp thành phòng thủ đất nước (tại Khoản 3 Điều 9) để phù hợp với tính chất nhiệm vụ đặc thù của Thủ đô Hà Nội và Luật Thủ đô.
Luật cũng đã bổ sung quy định, giải thích các từ ngữ như quân sự, chiến tranh nhân dân, phòng thủ đất nước, chiến tranh thông tin, thảm họa, phòng thủ quân khu, phòng thủ dân sự, kết hợp quốc phòng với kinh tế, xã hội và kinh tế, xã hội với quốc phòng...; đồng thời bổ sung quy định về các biện pháp chiến tranh thông tin, chiến tranh không gian mạng…
Trung tướng Hoàng Phước Thuận phát biểu tại cuộc họp báo. Ảnh: TRẦN BÌNH
Liên quan đến Luật An ninh mạng (có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019), Trung tướng Hoàng Phước Thuận, Cục trưởng Cục An ninh mạng (A68, Bộ Công an) cho biết, Luật đã được chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng với sự tham gia, góp ý kiến của các bộ, ngành chức năng, các doanh nghiệp viễn thông trong và ngoài nước, trong đó có Facebook, Google, Apple, Amazon...
Theo Trung tướng Hoàng Phước Thuận, để bảo vệ tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân, Luật An ninh mạng đã quy định đầy đủ các biện pháp phòng ngừa, đấu tranh, xử lý nhằm loại bỏ các nguy cơ đe dọa, phát hiện và xử lý hành vi vi phạm pháp luật, bao gồm: Phòng ngừa, xử lý thông tin trên không gian mạng có nội dung tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam, kích động gây bạo loạn, phá rối an ninh, gây rối trật tự công cộng, làm nhục, vu khống, xâm phạm trật tự quản lý kinh tế, phòng chống gián điệp mạng, bảo vệ thông tin bí mật Nhà nước, bí mật công tác, thông tin cá nhân trên không gian mạng...
Ngoài ra còn phòng chống tấn công mạng, khủng bố mạng, chiến tranh mạng cũng như phòng ngừa, xử lý tình huống nguy hiểm về an ninh mạng, đấu tranh bảo vệ an ninh mạng... Đây là hành lang pháp lý vững chắc để người dân có thể yên tâm buôn bán, kinh doanh hay hoạt động trên không gian mạng.
Với vấn đề dữ liệu của người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam trên không gian mạng đã và đang bị sử dụng tràn lan với mục đích thu lợi nhuận mà Nhà nước chưa đủ hành lang pháp lý để quản lý, thậm chí là bị sử dụng vào các âm mưu chính trị hoặc vi phạm pháp luật, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết: “Luật đã quy định doanh nghiệp trong và ngoài nước cung cấp dịch vụ trên mạng viễn thông, mạng Internet và các dịch vụ gia tăng trên không gian mạng tại Việt Nam có hoạt động thu thập, khai thác, phân tích, xử lý dữ liệu về thông tin cá nhân, dữ liệu về mối quan hệ của người sử dụng dịch vụ, dữ liệu do người sử dụng dịch vụ tại Việt Nam tạo ra phải lưu trữ dữ liệu này tại Việt Nam trong thời gian theo quy định của Chính phủ”.
Trả lời thêm câu hỏi của báo chí, Trung tướng Hoàng Quốc Thuận khẳng định, Luật An ninh mạng không hạn chế quyền tự do dân chủ của người dân. Người dân sẽ được Nhà nước bảo hộ khi làm tất cả những việc không bị cấm quy chiếu ở 29 điều của Bộ Luật Hình sự hay những luật liên quan khác.
Đối với việc triển khai Luật An ninh mạng, Trung tướng Hoàng Phước Thuận cho biết, hiện nay, Ban Soạn thảo đã họp bàn với Bộ Tư pháp chuẩn bị xây dựng Nghị định hướng dẫn thi hành Luật và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Dự kiến trong tháng 10 sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét thông qua Nghị định.
Luật Cạnh tranh sẽ có hiệu lực thi hành từ 1-7-2019. Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thể dục, thể thao; Luật Đo đạc và bản đồ; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 11 luật có liên quan đến quy hoạch, đều có hiệu lực thi hành từ 1-1-2019.
TRẦN BÌNH