Cụ thể gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp; Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án; Luật Thanh niên; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều; Luật Doanh nghiệp; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội.
Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án gồm 4 chương, 42 điều. Luật quy định nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án trong hoạt động hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại, công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án; có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Luật Thanh niên gồm 7 chương, 41 điều; áp dụng với thanh niên; cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình và cá nhân. Những điểm mới cơ bản của Luật Thanh niên, bao gồm: không quy định cụ thể quyền, nghĩa vụ của thanh niên mà quy định vai trò, trách nhiệm của thanh niên; nguyên tắc bảo đảm thực hiện quyền, nghĩa vụ của thanh niên và chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; nguồn lực thực hiện chính sách của Nhà nước đối với thanh niên; quy định Tháng Thanh niên, Đối thoại với thanh niên; chính sách của Nhà nước đối với thanh niên.
Ngoài ra, luật quy định trách nhiệm của tổ chức thanh niên; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức xã hội, tổ chức kinh tế, cơ sở giáo dục, gia đình đối với thanh niên; quản lý nhà nước về thanh niên. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều nhằm khắc phục những bất cập, vướng mắc trong thực tiễn thi hành luật; tạo hành lang pháp lý thuận lợi, phát huy vai trò chủ đạo của Nhà nước trong công tác phòng, chống thiên tai, huy động nguồn lực cho phòng, chống thiên tai nhằm nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước tình hình thiên tai diễn biến ngày càng cực đoan, bất thường, gây hậu quả nghiêm trọng. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2021.
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều; nhằm hoàn thiện khung khổ pháp lý về tổ chức quản trị doanh nghiệp đạt chuẩn mực của thông lệ tốt, phổ biến ở khu vực và quốc tế; thúc đẩy phát triển doanh nghiệp; thu hút vốn, nguồn lực vào sản xuất kinh doanh; góp phần nâng cao chất lượng môi trường kinh doanh theo mục tiêu thuộc nhóm các nước ASEAN 4 mà Chính phủ đã đặt ra.
Những cải cách quan trọng nhất của luật bao gồm: cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển.
Ngoài ra, luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021.
Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư gồm 11 chương, 101 điều. Luật quy định về hoạt động đầu tư theo phương thức đối tác công tư (gọi tắt là Luật PPP); quản lý nhà nước, quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động PPP. Luật áp dụng đối với các bên trong hợp đồng PPP, cơ quan quản lý nhà nước và cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động PPP.
Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, trừ quy định tại khoản 6 Điều 101, dự án áp dụng loại hợp đồng BT chưa được phê duyệt chủ trương đầu tư sẽ dừng thực hiện từ ngày 15-8-2020.
Luật sửa đổi, bổ sung 20/102 điều của Luật Tổ chức Quốc hội hiện hành, trong đó tập trung vào các nội dung cơ bản liên quan đến đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội; bộ máy giúp việc của Đoàn đại biểu Quốc hội.
Luật tạo cơ sở pháp lý quan trọng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, đại biểu Quốc hội; Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2021, trừ trường hợp quy định tại khoản 2, điểm b và điểm c khoản 16 Điều 1 được thực hiện từ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.