Công bố kết quả sữa nhiễm melamine chung chung khiến người tiêu dùng hiểu nhầm

(SGGP). - Ngày 12-10, Thanh tra Bộ Y tế đã có công văn xác nhận 11 sản phẩm và nguyên liệu của Công ty cổ phần Sữa Hà Nội (Hanoimilk) không nhiễm melamine do Trung tâm Kiểm nghiệm VSATTP, Viện Dinh dưỡng quốc gia xét nghiệm. Đó là những sản phẩm: sữa tiệt trùng Izzi có đường, sữa tiệt trùng Izzi hương dâu, sữa tiệt trùng Izzi dưa mật, sữa tiệt trùng Izzi socola, sữa chua Yotuti hương cam, sữa chua Yotuti hương dâu, sữa tươi Hanoimilk 100% có đường, sữa tươi nguyên liệu mẫu 2, Skimmilkpowder 1, Whole Milkpowder 2 và Skimmilkpowder 3.

Theo Thanh tra Bộ Y tế, thời gian qua có tình trạng một số đơn vị kiểm nghiệm đã công bố tên sản phẩm quá chung chung gây sự hiểu nhầm trong người dân. Việc này dẫn đến nhiều người tiêu dùng đã tẩy chay cả sản phẩm không nhiễm melamine trên thị trường, gây thiệt hại lớn cho doanh nghiệp.

Hanoimilk là doanh nghiệp sản xuất sữa bị thiệt hại nặng nhất khi cơ quan chức năng phát hiện trong kho của doanh nghiệp này có tới 280 tấn sữa nhập khẩu từ Trung Quốc và có một số sản phẩm bị nhiễm melamine. Được biết trong những ngày vừa qua, Hanoimilk chỉ 1 máy rót sữa còn hoạt động trong tổng số khoảng 10 máy. Gần 1.000 cán bộ công nhân viên và nông dân nuôi bò, cung cấp sữa bò tươi cho nhà máy bị ảnh hưởng.

Liên quan tới việc một số quốc gia như Trung Quốc, Mỹ, New Zealand, Australia đã công bố hàm lượng melamine an toàn trong sữa bột trẻ em và các sản phẩm sữa khác, ông Nguyễn Công Khẩn, Cục trưởng Cục vệ sinh an toàn thực phẩm nhấn mạnh: Việt Nam không thể áp dụng tiêu chuẩn của các quốc gia khác về hàm lượng chất melamine, mà sẽ chờ đến khi Tổ chức Y tế thế giới và Tổ chức Nông lương Thế giới có khuyến cáo chính thức để đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng.

Lãnh đạo Cục ATVSTP cũng cho biết, hiện nay đa số các nước, dù hàm lượng melamine thấp hay cao đều không được chấp nhận nên trước mắt chúng ta phải theo số đông, phải chống lại tình trạng nhiễm melamine trước đã, rồi sau đó mới tính đến khả năng nhiễm hóa chất độc hại này từ bao bì hay do môi trường.

Về phía Bộ Y tế cũng cho biết, đến thời điểm này, không còn hiện tượng ách tắc trong việc xét nghiệm melamine như thời gian trước. Thậm chí ngay cả 3 labo “trọng tài” trong việc xét nghiệm sữa nhiễm melamine là Viện Dinh dưỡng, Trung tâm Đo lường kỹ thuật 3 và Viện Vệ sinh y tế công cộng TPHCM cũng chỉ có rất ít doanh nghiệp gửi mẫu đến nhằm thẩm tra lại kết quả xét nghiệm của các trung tâm kiểm nghiệm khác.  

TR.KIÊN

* Thông tin liên quan:

>> Tiếp tục thu giữ sữa nhiễm melamine và sản phẩm từ sữa không nguồn gốc

>> Đề nghị tiêu hủy các loại sữa nhiễm melamine

Tin cùng chuyên mục