Xử lý nghiêm các đối tượng bao che
Cơ quan chức năng tỉnh Thái Bình xác định, vợ chồng Đường - Dương bắt đầu hoạt động môi giới, buôn bán bất động sản từ sau năm 2008. Qua rà soát từ năm 2010 đến nay, lực lượng công an đã xử lý 20 vụ cùng 12 đối tượng có mối quan hệ với Đường - Dương. Trong các vụ việc này, chủ yếu là do đàn em của Đường thực hiện. Do Đường “Nhuệ” không trực tiếp ra mặt nên việc đấu tranh, xử lý đối với Đường gặp nhiều khó khăn. Cuối năm 2017, vợ chồng Đường - Dương tự đứng ra thành lập cái gọi là “Hiệp hội tang lễ Thái Bình” và hoạt động có dấu hiệu bảo kê, cưỡng đoạt tài sản.
Vợ chồng Đường - Dương có nhiều dấu hiệu bất minh về kinh tế: xây dựng nhà cao tầng, mua sắm ô tô và các đồ gia dụng đắt tiền; sở hữu nhiều lô đất có giá trị; hoạt động từ thiện, đóng phim đăng tải trên YouTube, tổ chức các sự kiện mời rất nhiều văn nghệ sĩ nổi tiếng tham dự...
Theo Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy Thái Bình Nguyễn Văn Điều, trong những năm gần đây, qua tiếp nhận đơn thư phản ánh của một số tổ chức, cá nhân về các hoạt động có dấu hiệu tội phạm của vợ chồng Đường - Dương trên một số lĩnh vực, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã chỉ đạo, yêu cầu công an tỉnh và các ngành chức năng tập trung đấu tranh làm rõ và xử lý nghiêm minh theo quy định của pháp luật. Sau đó, công an tỉnh đã xác lập chuyên án đấu tranh với Đường “Nhuệ”, Nguyễn Thị Dương và các đối tượng có liên quan.
Ngày 7-4, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố vụ án “Cố ý gây thương tích” và tạm giam 6 đối tượng, việc triệt phá vụ án nêu trên là bước đột phá ban đầu để đấu tranh, triệt phá ổ nhóm tội phạm do vợ chồng Đường - Dương cầm đầu. Cũng theo ông Điều, đối với vụ án đánh người tại trụ sở Công an phường Trần Lãm, TP Thái Bình năm 2014, Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh đã yêu cầu công an tỉnh chỉ đạo công an thành phố khẩn trương điều tra, làm rõ để xử lý. Trong trường hợp phát hiện có dấu hiệu bao che hay cố ý làm sai lệch kết quả điều tra, cần xử lý kịp thời và nghiêm minh.
Sớm đưa ra xét xử
Cũng theo ông Điều, những năm qua tại một số địa bàn, một số dự án cụ thể, dư luận và người dân đã có phản ứng về các hoạt động có dấu hiệu khống chế, thao túng, thông đồng trong hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất do vợ chồng Đường - Dương cầm đầu. Việc này, đã được Tỉnh ủy yêu cầu các sở, ban ngành trong tỉnh báo cáo sự việc. Trên cơ sở nội dung điều tra của công an, tính đến nay, cơ quan điều tra đã khởi tố 4 bị can về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”. Hiện nay, tỉnh đã yêu cầu cơ quan chức năng tập trung điều tra làm rõ, xử lý nghiêm các đối tượng, đặc biệt đối với các cán bộ có liên quan, không bao che, bỏ sót tội phạm, không làm oan sai cho người vô tội và tuyệt đối không có vùng cấm.
Trong khi đó, Đường “Nhuệ” cũng bị tố cưỡng đoạt tài sản núp bóng dưới hình thức hoạt động của “Hiệp hội tang lễ Thái Bình”. Theo điều tra của Công an tỉnh Thái Bình, từ tháng 12-2017, bằng nhiều thủ đoạn đe dọa, gây rối, khống chế, Đường “Nhuệ” và đồng bọn đã buộc Công ty Thành Phát (là công ty làm dịch vụ hỏa táng cho Công ty cổ phần Dịch vụ tang lễ Hoàng Long, tỉnh Nam Định) phải ngừng hoạt động tại Thái Bình. Tiếp đó, Đường “Nhuệ” cùng đối tượng Ninh Đức Lợi (đã bị khởi tố) đã tìm cách thâu tóm địa bàn bằng cách tự tuyên bố là Chủ tịch “Hiệp hội tang lễ”. Đường “Nhuệ” đã đứng ra phân chia địa bàn hoạt động cho các công ty dịch vụ tang lễ và tự ý đặt ra quy định về các khoản nộp bắt buộc tính trên số ca hỏa táng (được gọi là hội phí và quỹ từ thiện), nhưng toàn bộ số tiền đó do Đường “Nhuệ” thu và toàn quyền quyết định. Công an xác định, bằng các hành vi đe dọa, cưỡng ép, Đường “Nhuệ” đã buộc các công ty hoạt động dịch vụ tang lễ trên địa bàn tỉnh phải chấp nhận các quy định của mình.
Những vi phạm trên của ổ nhóm Đường “Nhuệ”, Tỉnh ủy Thái Bình đã đưa các vụ án do vợ chồng Đường “Nhuệ” và đồng phạm thực hiện vào diện theo dõi, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo 1593 của tỉnh để chỉ đạo các ngành chức năng phải làm triệt để, khẩn trương, nhưng phải thận trọng, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật.