Không phù hợp quy định
Bộ Y tế cho rằng, về lý thuyết, chỉ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) có thẩm quyền tuyên bố kết thúc đại dịch; Việt Nam cũng không có lợi nếu công bố hết dịch. WHO hiện vẫn cảnh báo Covid-19 là đại dịch toàn cầu và khuyến cáo duy trì các biện pháp ứng phó, nhất là công tác tiêm vaccine. Theo WHO, hiện số ca mắc mới Covid-19 tiếp tục gia tăng với diễn biến phức tạp. Hơn nữa, sự xuất hiện của biến thể Omicron và các biến thể phụ cũng khiến nguy cơ lây nhiễm Covid-19 cao hơn.
Trong khi đó, với tình hình dịch Covid-19 tại Việt Nam, hơn 1 tuần qua, số ca mắc mới hàng ngày đã giảm, ở mức khoảng 500 ca/ngày, thậm chí có ngày dưới 200 ca, số tử vong từ 0-1ca/ngày. Tuy nhiên, hiện nay tỷ lệ tiêm vaccine Covid-19 mũi 3, mũi 4 và cho trẻ em tại nhiều tỉnh, thành còn thấp.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương cho biết, dù số ca mắc và tử vong do Covid-19 đang được kiểm soát nhưng nguy cơ cao ca mắc gia tăng trở lại, gây quá tải hệ thống y tế và ảnh hưởng đời sống kinh tế - xã hội nên Bộ Y tế tiếp tục phân loại Covid-19 là bệnh truyền nhiễm nhóm A. Việc chuyển phân loại bệnh truyền nhiễm từ nhóm A sang nhóm B với Covid-19 có nhiều thách thức như: theo Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm năm 2007 và các văn bản hướng dẫn, có nhiều quy định khác biệt cần điều chỉnh giữa bệnh truyền nhiễm nhóm A và bệnh truyền nhiễm nhóm B về giám sát tại cửa khẩu, tại cộng đồng; kiểm soát ra, vào vùng có dịch, công bố dịch; phòng lây nhiễm tại cơ sở khám chữa bệnh; cách ly y tế; điều trị miễn phí; vệ sinh phòng bệnh truyền nhiễm và sử dụng vaccine trong tình trạng khẩn cấp…
Cùng với đó, việc huy động sự tham gia của chính quyền các cấp, tổ chức, đoàn thể, sự vào cuộc của doanh nghiệp, người dân sẽ không còn được quan tâm đúng mức; người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện biện pháp phòng chống dịch.
Bộ Y tế cũng chưa coi Covid-19 là bệnh lưu hành vì bệnh lưu hành là sự xuất hiện một cách ổn định của bệnh, tác nhân gây bệnh trong 1 khu vực địa lý, nhóm dân số nhất định. Trong khi với dịch Covid-19, hầu hết các nước có số ca mắc và tử vong chưa ổn định, xu hướng tăng giảm thay đổi khi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-CoV-2. Các biến thể mới liên tục xuất hiện, miễn dịch chưa có tính ổn định lâu dài nên dịch bệnh có thể bùng phát trở lại bất kỳ lúc nào. Trên thế giới, hiện chưa có quốc gia nào công bố Covid-19 là bệnh lưu hành, mà chỉ có nhiều quốc gia từng bước nới lỏng biện pháp phòng chống dịch trên cơ sở tỷ lệ phủ vaccine Covid-19 cao.
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 bảo đảm sự linh hoạt theo diễn biến dịch. Với tình hình hiện nay, dịch đang được kiểm soát, các biện pháp phòng chống dịch cơ bản trở về trạng thái bình thường mới, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong đi lại, lao động, sản xuất, kinh doanh, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, nếu dịch bùng phát trở lại ở địa phương nào đó thì các biện pháp ứng phó nghiêm ngặt sẽ được áp dụng trở lại, cả biện pháp 5K để kịp thời khống chế, không để dịch tác động lớn tới an sinh xã hội, sức khỏe, tính mạng người dân. |
Đối mặt nhiều thách thức
Theo GS-TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, nếu công bố hết dịch Covid-19 tại Việt Nam, chúng ta sẽ phải đối mặt nhiều thách thức. Cụ thể, trường hợp xuất hiện biến thể mới nguy hiểm hơn có khả năng làm giảm hiệu quả vaccine hoặc giảm miễn dịch, khiến ca nặng hoặc tử vong tăng lên, làm gia tăng nguy cơ bùng phát mạnh, trên diện rộng, vượt quá năng lực của hệ thống y tế. Khi công bố hết dịch, các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch sẽ không được áp dụng như: nghiên cứu, sản xuất hoặc mua, tiếp nhận, cấp phép, sử dụng vaccine, trang thiết bị y tế, thuốc và sinh phẩm y tế, phương tiện phòng hộ cá nhân trong tình trạng khẩn cấp sẽ ảnh hưởng đến việc triển khai các biện pháp phòng chống dịch. Người dân có thể có tâm lý chủ quan, lơ là, không chủ động thực hiện các biện pháp phòng chống dịch và trường hợp dịch bùng phát trở lại việc kích hoạt áp dụng trở lại các biện pháp hành chính, xã hội sẽ bị động.
Đồng quan điểm, PGS-TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TPHCM, cho rằng, tuyên bố hết dịch Covid-19 không mang lại thêm lợi ích nào mà có thể gây ra một số khó khăn. Việc Việt Nam công bố hết dịch Covid-19 sẽ gây ra quan ngại cho cộng đồng thế giới, đi ngược lại nỗ lực chung của các nước, nhất là trong bối cảnh nhiều quốc gia đang nỗ lực phòng dịch. Trong khi đó, WHO - tổ chức điều phối vấn đề này, vẫn mong muốn các nước tiếp tục phòng dịch. Nếu công bố hết dịch, chúng ta sẽ không thể huy động được sức lực của người dân trong trường hợp cần thiết; việc huy động nguồn lực, sự hỗ trợ từ WHO cũng khó khăn hơn nếu một làn sóng dịch xuất hiện.
* PGS-TS TRẦN ĐẮC PHU, Cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện Y tế công cộng Việt Nam: Nguy cơ đến đâu, đáp ứng đến đó T.AN - M.KHANG - Q.HUY ghi |