Ngoài ra, vùng bị uy hiếp gồm các xã: Kỳ Phong, Kỳ Xuân, Kỳ Tiến, Kỳ Phú, Kỳ Thọ và Kỳ Trung. Vùng đệm gồm các xã: Kỳ Văn, Kỳ Thư, Kỳ Hải, Kỳ Tân và Kỳ Tây.
UBND huyện Kỳ Anh giao Phòng NN-PTNT phối hợp với Trung tâm Ứng dụng Khoa học kỹ thuật và Bảo vệ cây trồng vật nuôi huyện chỉ đạo, hướng dẫn UBND các xã có dịch, xã nằm trong vùng bị uy hiếp và xã vùng đệm thực hiện nghiêm Luật Thú y và áp dụng các biện pháp theo quy định về công tác phòng, chống dịch bệnh động vật trên cạn.
Ngoài ra, phải rà soát, kiểm tra, dự phòng hóa chất, vật tư đảm bảo phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh lở mồm long móng trên trâu, bò và các động vật mẫn cảm với bệnh lở mồm long móng. Đồng thời, tổ chức lực lượng khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, đặc biệt cần tập trung tại các xã, khu vực đang có dịch để nhanh chóng kiểm soát, khống chế, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng…
Trước đó, từ ngày 17-9 đến ngày 6-10, dịch lở mồm long móng trên trâu, bò xảy ra tại 4 xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng, Kỳ Giang, Kỳ Khang làm 56 con trâu, bò (trâu 8 con, bò 48 con) của 30 hộ gia đình ốm, chết (số gia súc chết 6 con tại 3 xã Kỳ Giang, Kỳ Khang, Kỳ Đồng) buộc tiêu hủy, khối lượng 1.380kg.
Theo nhận định nguyên nhân, ca bệnh đầu tiên phát sinh tại xã Kỳ Bắc, sau đó là tại các xã Kỳ Giang, Kỳ Đồng và Kỳ Khang. Đây là địa bàn có ổ dịch cũ, virus gây bệnh lở mồm long móng tồn tại, phát tán trong môi trường tự nhiên. Thời điểm này, đã thu hoạch xong cây trồng vụ hè thu, đàn trâu, bò chăn thả tự do trên các cánh đồng. Mặt khác, thời tiết chuyển mùa, mưa nhiều là điều kiện thuận lợi cho các loại mầm bệnh và phát sinh và lây lan. Hộ chăn nuôi trâu bò theo hình thức nông hộ nhỏ lẻ nên việc áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học khó thực hiện, chuồng trại không đảm bảo vệ sinh.
Ngoài ra, người chăn nuôi còn chủ quan, thả rông, tối không đưa trâu, bò về chuồng dẫn đến phát hiện trâu, bò bị ốm muộn, khi phát hiện không báo cáo kịp thời, tự mua thuốc về điều trị, đến khi bệnh diễn biến nặng mới báo cáo. Bên cạnh đó là việc vệ sinh chuồng trại, tiêu độc khử trùng và chăm sóc, điều trị gia súc ốm không theo hướng dẫn của ngành chuyên môn…
Theo UBND huyện Kỳ Anh, tới ngày 6-10, toàn huyện Kỳ Anh đã tiêm được 5.291 liều vaccine lở mồm long móng. Tại địa bàn 4 xã có phát sinh dịch đã tiêm phòng bao vây chống dịch được 1.029 liều vaccine; sử dụng 140 lít hóa chất, 1.195kg vôi bột để thực hiện tiêu độc khử trùng môi trường tại các xã có dịch và xã bị uy hiếp. Tạm thời đình chỉ hoạt động giết mổ trâu, bò tại lò mổ xã Kỳ Bắc, Kỳ Đồng và chợ buôn bán trâu, bò tại xã Kỳ Tiến…