Theo UBND tỉnh Lâm Đồng, đề án được phê duyệt với 4 trụ cột chính gồm quản trị, đời sống, môi trường và kinh tế.
Trong đó, các nội dung đã giao các sở chuyên ngành triển khai thực hiện theo thứ tự ưu tiên gồm các lĩnh vực: chính quyền điện tử; quy hoạch đô thị và quản lý đất đai; nông nghiệp; du lịch; thành phố an toàn; môi trường; giáo dục - đào tạo; y tế và lĩnh vực giao thông.
Để thực hiện từng mục tiêu, dự án sẽ thiết lập trung tâm điều hành thành phố thông minh tập trung nhằm phân tích, xử lý dữ liệu thu thập, cho phép thành phố vận hành hiệu quả, hỗ trợ ra quyết định, dự báo xu hướng và lên kế hoạch phát triển dài hạn.
Các mục tiêu chính sẽ là xây dựng hạ tầng và nền tảng dữ liệu cho thành phố thông minh nhằm tạo môi trường giao tiếp chung giữa các hệ thống ứng dụng, cơ sở dữ liệu sẽ cho phép tích hợp trong cùng lĩnh vực hoặc giữa các lĩnh vực khác nhau, là đầu vào cho các hệ thống phân tích dữ liệu lớn, dự báo, tối ưu chi phí, tạo điều kiện hình thành các dịch vụ tiện ích mới cho thành phố.
Theo ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, việc xây dựng thành phố thông minh chính là cơ hội để Đà Lạt ứng dụng rộng rãi khoa học công nghệ hiện đại vào các lĩnh vực của đời sống xã hội nhằm giải quyết những vấn đề vừa trước mắt, vừa lâu dài, nắm bắt thời cơ bứt phá phát triển kinh tế - xã hội, phù hợp với định hướng xây dựng thành phố Đà Lạt tiêu chuẩn hiện đại, tiện ích, bền vững.